Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tín dụng “đen”, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Trong đó, một trong những biện pháp tối ưu nhất để giải quyết tận gốc vấn đề là thúc đẩy kênh tài chính tiêu dùng và tín dụng vi mô. Các ngân hàng thương mại đã xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh giúp người dân không phải vay nặng lãi trả nợ ngân hàng, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt để đem tín dụng ngân hàng đến tận tay người có nhu cầu vay chính đáng.
Mở rộng kênh vay vốn chính thức
Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng “đen” phổ biến vì quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, bờ tường, mạng xã hội, tin nhắn di động, tờ rơi phát miễn phí... người ta dễ thấy thông tin mời gọi vay “nóng” kèm số điện thoại liên lạc. Trong khi đó, ngân hàng là tổ chức kinh doanh, tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn về rủi ro và lợi nhuận. Do đó, một trong những giải pháp của ngành ngân hàng là phủ sóng kênh cho vay chính thức và tung vốn để “lấn át” tín dụng đen.Thực tế cho thấy nhiều trường hợp người dân đủ điều kiện vay vốn nhưng còn hạn chế trong tiếp cận thông tin và tâm lý còn e ngại thủ tục.
Đầu tháng 06-2019, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay qua website và ứng dụng trên điện thoại di động với nhiều tiện ích. Qua cổng thông tin này khách hàng có thể tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký vay vốn tại tổ chức tín dụng phù hợp, tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cổng thông tin này còn là kênh cung cấp báo cáo tín dụng cho khách hàng, giúp người vay giám sát, theo dõi được thông tin, điểm tín dụng và mức độ tín nhiệm của mình, phòng tránh gian lận…
Triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi
Từ cuối năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đề ra chiến lược tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 là tập trung vào phân khúc tín dụng bán lẻ: triển khai nhiều gói sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân trong việc vay tiền mua xe ô tô, xây dựng, sửa chữa nhà, cho vay du học, chữa bệnh…; cho vay tín chấp bằng thẻ tín dụng… Các NHTM cũng mở rộng thêm nhiều kênh cho vay, giải ngân mới như: thấu chi tài khoản thẻ ghi nợ nội địa, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ…, đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch ở các vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Khi người dân có đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng “đen”.
Nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi, như chương trình “Vay siêu linh hoạt” và “TOP-UP Vay dễ dàng – Vốn thêm nhanh” của Ngân hàng Sài Gòn -SCB. Hai chương trình cho vay này đang được SCB tung ra thị trường với những ưu đãi hấp dẫn và đầy cạnh tranh như: 0% phí trả nợ trước hạn, 0% lãi suất vay tháng đầu tiên,thủ tục đơn giản, phê duyệt nhanh trong vòng 8 giờ làm việc. Đặc biệt, khách hàng được giảm thêm lãi suất lên đến 0,3%/năm trên mức lãi suất quy định khi mua gia tăng giá trị hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, khách hàng không chỉ được cung cấp giải pháp bảo vệ sức khỏe mà còn gia tăng lợi ích khi vay vốn, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn an toàn để phục vụ các nhu cầu chi tiêu và đầu tư trong cuộc sống.
Được biết NHNN đang lên kế hoạch cùng một số tổ chức tín dụng sẽ tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn “điểm nóng” của tín dụng “đen” thời gian qua, nắm thêm thực tế để tiếp tục triển khai các bước trong định hướng đã đề ra từ đầu năm nay.