Tỉnh chờ kết luận thanh tra để giao đất đồi chè cho dân

(PLO)- Nhiều hộ dân ở nông trường chè tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng đang mong chờ được UBND tỉnh giao hẳn đất để ổn định canh tác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện Nghị định 118/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, nhiều năm qua tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi nhiều diện tích đất có nguồn gốc từ các nông trường quốc doanh giao cho địa phương quản lý để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) cho người dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều người dân ở nông trường đã kiên trì gửi đơn đề nghị được giao đất, cấp GCN để ổn định canh tác nhiều năm nay mà chưa được.

Cuộc sống nhiều hộ dân gắn với đồi chè

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyết (ngụ phường Blao, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đang là đại diện cho 54 hộ dân đang nhận khoán trên nông trường chè của Công ty cổ phần Chè Ngọc Bảo tại phường Blao, TP Bảo Lộc, làm đơn kiến nghị giao đất.

Chờ kết luận thanh tra

Ngày 25-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Sỹ Phú, Trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết do hiện nay có hai quan điểm nhận định xử lý khác nhau nên UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh để xử lý. Trên cơ sở kết luận thanh tra, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết đúng theo pháp luật và quyền lợi của người dân. VÕ TÙNG

Bà Thuyết cho biết trước năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Chè Ngọc Bảo (tiền thân là các doanh nghiệp thuộc Công ty Chè Lâm Đồng sau khi cổ phần hóa tài sản trên đất) chuyển nhượng giá trị vườn cây cho người nhận khoán. Đồng thời sau đó các hộ dân cũng đã được UBND TP Bảo Lộc cấp GCN thành nhiều đợt trên chính phần diện tích đất nhận giao khoán. Tuy nhiên, sau năm 2018 thì mọi thứ đều bị tạm ngưng.

“Rất nhiều hộ nhận khoán đã gắn bó với đồi chè từ hàng chục năm nay, nhiều người đến nay đã già yếu, quá độ tuổi lao động. Trong khi cùng điều kiện thì tại địa bàn thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm có Nông trường chè Minh Rồng và Nông trường Kohinda trên địa bàn xã Đambri, TP Bảo Lộc các hộ dân nhận khoán tại những nơi này đều đã được cấp GCN” - bà Thuyết nói.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Trung Thành năm 2002 ký hợp đồng nhận khoán với nhà máy chè 1/5 thuộc Công ty Chè Lâm Đồng (nay là Công ty cổ phần Chè Ngọc Bảo), cho biết gia đình gắn bó với nông trường chè từ nhiều năm. Mặc dù trên giấy tờ là đất của nông trường nhưng thực tế đều là người dân quản lý, canh tác. “Tôi mong UBND tỉnh sớm chấp thuận chủ trương để người dân được cấp GCN ổn định, an tâm canh tác” - ông Thành nói.

Cũng theo bà Thuyết, ngày 15-2-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã gặp bà trong lần tiếp công dân và hứa sẽ xử lý và giải quyết kiến nghị của các hộ dân trước ngày 15-3-2023 nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Khu vực trồng chè mà người dân đang nhận khoán của Công ty Chè Ngọc Bảo tại phường Blao, TP Bảo Lộc. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Khu vực trồng chè mà người dân đang nhận khoán của Công ty Chè Ngọc Bảo tại phường Blao, TP Bảo Lộc. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Cơ quan chức năng nói gì?

Tháng 1-2023, UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản gửi Sở TN&MT về diện tích đất mà Công ty cổ phần Chè Ngọc Bảo đang quản lý, sử dụng. Theo đó, đối với phần diện tích đất tại phường Blao và xã Lộc Nga, UBND TP Bảo Lộc đề nghị Sở TN&MT căn cứ theo quy định và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh tham mưu đề xuất xem xét chủ trương thanh lý vườn cây theo quy định.

Đối với phần diện tích đất tại phường Lộc Sơn, cơ quan này cũng đề nghị Sở TN&MT tham mưu đề xuất UBND tỉnh. Sau khi UBND tỉnh có chủ trương cụ thể, UBND TP Bảo Lộc sẽ nghiêm túc thực hiện.

Về phía Sở TN&MT, sở này đã đề xuất ba nội dung. Thứ nhất, về việc thanh lý hợp đồng khoán giữa công ty và các hộ nhận khoán là hợp đồng giao dịch dân sự do các bên tự thỏa thuận. Vì vậy, các bên tự thương lượng thống nhất phương án giải quyết. Thứ hai, về phần diện tích đất Công ty Chè Ngọc Bảo đang thuê, trường hợp công ty tự nguyện trả lại đất thuê thì có văn bản tự nguyện trả lại đất theo quy định. Trên cơ sở đó Nhà nước sẽ lập thủ tục thu hồi đất giao về địa phương quản lý.

Thứ ba, đối với kiến nghị của người dân và chủ trương của UBND tỉnh thì theo Kết luận thanh tra số 150 vào tháng 8-2021 của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Văn bản số 590 chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện chủ trương chuyển nhượng giá trị vườn cây cho hộ nhận khoán đối với diện tích đất chưa thực hiện chuyển nhượng để đánh giá lại quá trình thực hiện.

Lý do là vì có quan điểm chưa đồng nhất với hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT). Do đó, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh tổ chức họp hội đồng tư vấn pháp luật để thống nhất hướng xử lý.•

Công ty Chè Ngọc Bảo: Chờ tỉnh quyết định!

Trao đổi với PV, ông Đặng Duy Biên, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Ngọc Bảo, cho biết đối với các nguyện vọng, kiến nghị của người dân, công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương cho thực hiện thủ tục chuyển nhượng giá trị vườn cây cho người nhận khoán nên vẫn đang chờ tỉnh xem xét.

Trường hợp nếu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thì công ty sẽ thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng giá trị vườn cây theo quy định. Từ đó lập hồ sơ trả lại đất cho Nhà nước thu hồi, giao cho UBND TP Bảo Lộc quản lý để xem xét bố trí, sử dụng đất, giao đất, cấp GCN cho người nhận khoán theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm