Tính chung thẩm trong tố tụng trọng tài

(PLO)- TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị cho rằng việc tòa án xem xét hủy phán quyết trọng tài sẽ ảnh hưởng đến ưu thế của phương thức này do tính chung thẩm mang lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-4, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức hội thảo “Tính chung thẩm của phán quyết và các quyết định của hội đồng trọng tài” thuộc khuôn khổ chuỗi hoạt động “Bàn luận về quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài”.

Theo luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, năm 2022 vừa qua có thể được xem là một năm rực rỡ đối với trọng tài thương mại (TTTM) tại Việt Nam.

Năm qua, chỉ tính riêng đối với VIAC, tổ chức này đã ra phán quyết đối với hơn 300 vụ tranh chấp thương mại. Trong khi đó, các tổ chức TTTM khác trong nước cũng hoạt động rất tích cực và hiệu quả hơn qua từng năm.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: THẾ GIANG

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: THẾ GIANG

Thành công này có được là do doanh nghiệp ngày càng nhận ra ưu điểm vượt trội của cơ chế tố tụng trọng tài, đặc biệt là ở tính chung thẩm.

Có thể hiểu đơn giản một khi tranh chấp đã được giải quyết sẽ không được xem xét lại bởi bất kỳ một cấp hoặc cơ quan xét xử nào khác (trừ trường hợp hủy phán quyết trọng tai theo quy định pháp luật).

Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian của các bên trong tranh chấp và tạo ưu thế lớn trong bối cảnh thị trường sôi động như hiện tại. Dẫu vậy, số vụ tranh chấp được giải quyết bằng cơ chế trọng tài hiện nay là còn quá thấp so với tổng số vụ tranh chấp được tòa án thụ lý.

TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Trưởng bộ môn Luật Kinh tế, khoa Luật, trường CELG cho rằng phương thức tố tụng TTTM vẫn chưa được nhân rộng tại Việt Nam là do rào cản ở khung pháp lý.

Dù pháp luật Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho tố tụng TTTM với sự ra đời của Pháp lệnh TTTM 2003 hay Luật TTTM 2010 nhưng những quy định vẫn cần phải được điều chỉnh, cải tiến hơn nữa.

Cụ thể, ông Nghị chỉ ra Điều 71 Luật TTTM quy định về việc toà án xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. Theo ông, việc toà án xem xét hủy phán quyết trọng tài sẽ ảnh hưởng đến ưu thế của phương thức này do tính chung thẩm mang lại.

Cạnh đó, khi doanh nghiệp xem xét lựa chọn giữa các phương thức giải quyết tranh chấp, niềm tin dành cho phương thức tố tụng trọng tài cũng sẽ không được cao.

Tại TAND TP.HCM năm 2022, đã có 44 đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Trong đó có 28 đơn được thụ lý và sáu phán quyết trọng tài đã bị hủy.

Căn cứ hủy phán quyết trọng tài chủ yếu từ hai nguyên nhân chính là thành phần, thủ tục tố tụng không phù hợp với quy định pháp luật và nội dung phán quyết trái với quy định của pháp luật. Các căn cứ hủy phán quyết cũng tác động không nhỏ đến niềm tin của doanh nghiệp dành cho phương thức trọng tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm