Sáng 22-4, trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Bên thứ ba trong pháp luật trọng tài – Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại hội thảo, các diễn giả dành nhiều thời gian để bàn luận về các vấn đề nhằm tìm ra cơ chế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba khi bị các phán quyết của Hội đồng trọng tài xâm phạm.
GS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM, tham gia buổi hội thảo sáng 22-4 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
GS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, hiện nay pháp luật của Việt Nam chưa hoàn toàn bảo vệ được các lợi ích hợp pháp của bên thứ ba khi phán quyết của trọng tài ảnh hưởng tiêu cực đến chúng.
Thực tế, đã có Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để bên thứ ba có thể yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài nhưng cơ chế hủy phán quyết này có nhiều bất cập.
Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có cơ chế cho phép người thứ ba được trực tiếp tiến hành các thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nên bên thứ ba sẽ phải lệ thuộc vào một bên trong tranh chấp.
Chính từ sự lệ thuộc đó, một trong hai bên trong tranh chấp có thể lợi dụng việc xâm hại đến bên thứ ba để yêu cầu hủy phán quyết khi phán quyết không có lợi cho mình.
Đó sẽ là tiền đề cho việc hai bên khi giải quyết tranh chấp sẽ cố tình không cung cấp thông tin về bên thứ ba cho Hội đồng trọng tài nhằm sử dụng cho việc yêu cầu hủy bỏ phán quyết. ThS Huỳnh Quang Thuận, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM) cũng nêu ý kiến rằng, hiện nay chưa có các quy định rõ ràng về việc bên thứ ba được tham gia vào tố tụng trọng tài.
Toàn cảnh buổi hội thảo tại trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Ông cho rằng cần xem xét cho phép Hội đồng trọng tài triệu tập bên thứ ba khi có yêu cầu của một trong hai bên hoặc thậm chí là tự quyết định khi thấy cần thiết.
Tuy nhiên, ThS Thuận cũng lưu ý việc cho phép này cần phải được nghiên cứu để đảm bảo việc tham gia của bên thứ ba không làm mất đi bản chất của phương thức trọng tài (chỉ có nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận trọng tài tham gia).
Đồng quan điểm, GS.TS Đại cũng nêu quan điểm về việc cần xây dựng cơ chế riêng để bảo vệ bên thứ ba khi quyền lợi của họ bị xâm hại.
“Người khởi động cơ chế này nên là người thứ ba và hệ quả của việc áp dụng này là phán quyết của trọng tài chỉ không có hiệu lực với người thứ ba, không ảnh hưởng tới hiệu lực mối quan hệ giữa các bên” - GS.TS Đại nói.
Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi về các vấn đề trong việc tài trợ tố tụng trọng tài từ một bên thứ ba.
Đây được đánh giá một cơ chế tài chính pháp lý nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng trọng tài quốc tế. Các bài tham luận đề cập đến các điều kiện cũng như nghĩa vụ để bên thứ ba có thể tài trợ tố tụng trọng tài.
Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quản lý bên thứ ba tài trợ trong tố tụng trọng tài vẫn chưa được điều chỉnh cụ thể theo pháp luật, hoặc ít nhất cần một bộ quy tắc hướng dẫn hoạt động tài trợ này.