Được biết giống nhãn Edor được nhập từ Thái Lan về theo nhu cầu trồng nhãn của người dân địa phương.
Sau nhiều năm, người dân đã tìm tòi, học hỏi để nâng cao chất lượng, hương vị của trái nhãn. Từ năm 2012, UBND huyện kết hợp với Bộ Nông nghiệp đã có đề xuất công nhận thương hiệu riêng của loại nhãn này. Đến nay, thương hiệu nhãn Edor chính thức đổi tên thành “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”, là sản phẩm mang dấu ấn mới của tỉnh nhà.
Ông Huỳnh Văn Thông, Chủ tịch UBND Huyện Châu Thành, Tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi lễ. ẢNH: THANH TUYỀN.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Thông, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nhận định đây là một bước ngoặt mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, là cơ hội để địa phương mở rộng diện tích sản xuất, phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước; tạo đầu ra cho nông sản cũng như đảm bảo đời sống của bà con nông dân.
Giấy chứng nhận nhãn Edor thành nhãn hiệu "Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp". Ảnh: THANH TUYỀN
Ngoài ra, ông Thông cũng đã có những lưu ý đối với các cấp quản lý, xây dựng hệ thống kiểm tra quy trình trồng nhãn, chú trọng việc đưa sản phẩm vào các hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu; tăng cường công tác kiểm tra để kiểm soát sát sao nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo giữ vững thương hiệu bền vững để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh, Úc...
Ông Phạm Hữu Hiện, đại diện người nông dân ở đây, chia sẻ những năm qua trái nhãn chủ yếu bán cho thị trường trong nước, một phần bán cho thị trường tiểu ngạch Trung Quốc khá bấp bênh do chưa xây dựng được thương hiệu.
"Để tìm được thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu ra nước ngoài là rất khó nhưng giữ được thị trường lại càng khó hơn. Việc xây dựng thương hiệu nhãn mới mang dấu ấn riêng của người nông dân sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà vườn trồng nhãn đảm bảo trái nhãn xuất khẩu không dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng, quả to, màu sắc đẹp cho người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới" - ông Hiện cho biết.