Trên cụm chuyên đề “Phường đông dân ở TP.HCM: Trăm việc đổ đầu cán bộ” (đăng tải ngày 30-9), Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về tình trạng cán bộ ở các phường đông dân hiện nay ở TP đang chịu áp lực công việc rất lớn. Trước tình hình tinh giản biên chế hiện nay, một số lãnh đạo phường đã đề xuất cần có cơ chế phân bổ nhân lực phù hợp với đặc thù của phường đông dân để chính quyền cơ sở được phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Xoay quanh câu chuyện này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.
Có chỗ sẽ giảm, có chỗ phải tăng
. Phóng viên: Từ khi thực hiện Nghị quyết 39/2015 đến nay, việc thực hiện tinh giản biên chế tại TP.HCM đã thực hiện được như thế nào, thưa ông?
+ Ông Trương Văn Lắm (ảnh): Hiện nay, TP.HCM vẫn đang thực hiện nghiêm Nghị quyết 39/2015 của trung ương về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã thực hiện 613 trường hợp tinh giản biên chế. Trong đó, khối đảng 90 và khối chính quyền 523 biên chế theo các nghị định 108/2014 và 113/2018 của Chính phủ. Đến nay, đối với công chức TP đã cắt giảm được 11% và sự nghiệp là 14%.
. Cùng với việc gia tăng dân số chóng mặt thì hàng loạt nhu cầu khác cũng tăng theo như lao động, nhà ở, giải quyết hồ sơ hành chính, an ninh trật tự… Bộ máy chính quyền các cấp đang phải gồng mình để giải quyết công việc, trong khi đó số lượng cán bộ, công chức đang phải giảm theo chủ trương chung. Điều này gây khó khăn gì cho TP.HCM hiện nay?
+ Tôi khẳng định việc tinh giản tổ chức, bộ máy biên chế là chủ trương đúng của trung ương, xuất phát từ thực tiễn của đất nước và yêu cầu buộc phải tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế. Từ đó đặt ra có chỗ sẽ giảm, có chỗ phải tăng, chứ không nên nhận thức một chiều là đều phải giảm, bởi chỗ nào cần tăng vẫn phải tăng. Tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy cũng phải trên tinh thần chỉ đạo của trung ương, nếu trùng lắp chức năng, nhiệm vụ thì sắp xếp lại, nếu có nhiều tầng lớp trung gian thì phải bỏ.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế là đầu tàu động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng cả nước. Với quy mô dân số trên tám triệu dân (không tính khách vãng lai), nếu tính khách vãng lai trên 13 triệu dân, đòi hỏi phải có bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu. Hiện nay, khối lượng công việc đối với công chức hành chính đang bị quá tải. nếu không tính khách vãng lai, mỗi công chức phục vụ khoảng 690 người dân; nếu tính cả khách vãng lai, mỗi công chức phục vụ khoảng 1.117 người dân.
Việc trung ương giao biên chế công chức thấp so với TP.HCM đang sử dụng là một khó khăn rất lớn cho TP. Tuy nhiên, cần phải chấp hành nghiêm. Theo tôi, bộ máy của TP đang hoạt động ổn định và phù hợp với tình hình thực tế tại TP.HCM. Trong thời gian tới, TP xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, đương nhiên bộ máy sẽ giảm và biên chế sẽ giảm theo.
Bộ máy chính quyền ở các phường, xã đông dân đang chịu áp lực rất lớn trong công việc hiện nay. Trong ảnh: Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A đang giải quyết công việc cho dân. Ảnh: LÊ THOA
Áp lực lớn cho bộ máy phường, xã đông dân
. Nhưng có phường ở TP.HCM dân số của họ gần bằng cả một huyện, thậm chí gần bằng một TP ở các tỉnh khá. đó là chưa nói tốc độ gia tăng dân số nhanh. vì vậy lượng công việc của các cán bộ, công chức tại các địa phương này là rất lớn. Với thực tế này, Sở Nội vụ có tham mưu, kiến nghị gì với TP trong quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế để phù hợp với tình hình thực tiễn?
+ Về việc này, chủ trương thì phải chấp hành. Hiện nay, Sở Nội vụ đang khảo sát đề án xác định số lượng biên chế tại UBND quận, huyện để tham mưu cho UBND TP giao biên chế cho các quận, huyện phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, không nhất thiết phải giảm theo cơ học.
Riêng việc thực hiện Nghị định 34/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2009 (về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố - PV), theo đó: Số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính sẽ giảm hai người và tại những phường, xã, thị trấn đã bố trí công an chính quy sẽ giảm thêm một người. Bên cạnh đó, số lượng người hoạt động không chuyên cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cũng giảm chỉ còn 14 người - 10 người, ứng với từng loại phường. Đây là một áp lực rất lớn, một khó khăn đối với bộ máy chính quyền phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.
. Thưa ông, một số lãnh đạo ở các phường đông dân cho biết khi góp ý cho việc triển khai Nghị định 34/2019, họ có kiến nghị cần có cơ chế đặc thù về số lượng cán bộ, công chức, người không chuyên trách ở cấp này để phù hợp với tình hình thực tiễn. điều này được xem xét thế nào?
+ Về nội dung thực hiện các quy định tại Nghị định 34/2019, TP đang chỉ đạo, xây dựng lộ trình thực hiện việc cắt, giảm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn gắn liền với việc thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị quyết 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện tại, Sở Nội vụ đã dự thảo quyết định bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn và dự thảo các chức danh người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn đang triển khai lấy ý kiến trên địa bàn TP.
Thực hiện Nghị định 34/2019 là một khó khăn đối với những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao, số dân cư lớn. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng theo chủ trương chung.
Đảm bảo chế độ, chính sách trong thời gian chờ hướng dẫn Hiện nay, có một số nội dung quy định tại Nghị định 34/2019 thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Trong thời gian chờ thông tư hướng dẫn và để đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thì TP vẫn tiếp tục cho duy trì theo các quy định tại Nghị định 92/2009 và báo cáo, kiến nghị, xin ý kiến Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, nhiều xã, phường tại TP.HCM có dân số bằng một huyện, thậm chí gần bằng một TP thuộc tỉnh như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh), phường Bình Hưng Hòa (Bình Tân)… Mỗi cán bộ đang phải phục vụ hàng ngàn người dân, thậm chí có nơi trung bình mỗi cán bộ phải phục vụ tới 4.700 dân. Nhiều xã, phường hiện cán bộ đang quá tải với khối lượng công việc. |