Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá ba năm qua bình quân mỗi năm có 4.000 thuyền viên Việt Nam đi làm việc trên các tàu cá ở nước ngoài. Trong đó có gần 1.000 lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Tính chung hiện có gần 12.000 lao động Việt Nam đi làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài. Các thị trường tiếp nhận chủ yếu là Hàn Quốc (9.400 thuyền viên) và Đài Loan (2.300 thuyền viên). Phần lớn người lao động làm công việc nuôi trồng hải sản và đánh bắt trên các tàu cá ven biển Hàn Quốc, Đài Loan (9.000 lao động, chiếm 75% tổng số), số còn lại làm việc trên các tàu cá xa bờ ở các vùng biển quốc tế.
Đại diện trung tâm giới thiệu việc làm một tỉnh miền Trung bật mí thu nhập của thuyền viên trên tàu cá Hàn Quốc khoảng 1.200-1.500 USD/tháng, còn tàu cá Đài Loan 900 USD/tháng.
Hà Tĩnh và Quảng Trị là hai địa phương dẫn đầu cả nước có nhiều người sang Hàn Quốc, Đài Loan làm thuyền viên.
Theo đánh giá của Cục, thuyền viên chủ yếu đến từ các địa phương ven biển miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... trong đó Hà Tĩnh (367 người) và Quảng Trị (143 người) là hai địa phương dẫn đầu cả nước có nhiều lao động đi làm ngư nghiệp tại Hàn Quốc. Số lao động này chủ yếu thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
Về chất lượng lao động, thuyền viên Việt Nam được đánh giá có tay nghề tốt, chăm chỉ và tiếp thu nhanh nên được các chủ tàu Đài Loan và Hàn Quốc ưa thích.
Các thách thức của nghề thuyền viên chủ yếu là do tính chất đặc thù riêng là thị trường tiếp nhận chưa được mở rộng, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, ngoài ra có Nhật Bản và Hawaii (Mỹ) tiếp nhận với số lượng ít.
Làm việc trên tàu cá được coi là một nghề nặng nhọc và tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là đối với các thuyền viên tàu cá xa bờ, việc tuyển chọn lao động chỉ có thể tập trung tại các huyện ven biển hoặc hải đảo nơi người lao động có điều kiện phù hợp với ngành nghề này.