Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời cử tri gửi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV liên quan đến vấn đề tính thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết theo Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính trong việc điều hành giá bán xăng dầu căn cứ vào phương pháp tính và mức thuế cũng như các loại phí, quỹ… trong giá cơ sở do Bộ Tài chính chủ trì quy định, hướng dẫn.
Trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21-3-2016, thuế nhập khẩu áp dụng để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu của Liên bộ Công Thương - Tài chính là thuế nhập khẩu ưu đãi MFN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với các quốc gia, khu vực, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.
Do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA thấp hơn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN nên có những thời điểm, có thương nhân tăng nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường được ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu để hưởng lợi.
Bộ Công Thương cho hay nhằm khắc phục tình trạng cùng một mặt hàng xăng dầu nhưng có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu khác nhau, Bộ Tài chính sau khi xin ý kiến Chính phủ, đã có công văn hướng dẫn thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau.
Các mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được Bộ Tài chính rà soát và thông báo áp dụng để tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu hằng quý theo quy định.
Theo đó, từ kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21-3-2016, thuế nhập khẩu áp dụng để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương cho rằng cách tính thuế nhập khẩu theo bình quân gia quyền trước mắt là hợp lý, đưa giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu sát với thực tế giá xăng dầu do các doanh nghiệp nhập khẩu về từ các nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương nghiên cứu để kiến nghị giải pháp tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các Hiệp định thương mại tự do FTA trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu trong nước và các đối tượng tiêu dùng; đảm bảo an ninh năng lượng.
Trước đó, vào thời điểm đầu năm 2016, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng nhờ cách tính giá xăng dầu cơ sở. Cụ thể, khi nhập xăng dầu, doanh nghiệp phải nộp thuế và về nguyên tắc, khoản này sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu thực tế từ các thị trường có sự khác nhau khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Với sản phẩm nhập từ ASEAN, thuế áp dụng trong năm 2015 với dầu diesel và madut là 5% và từ 1-1-2016 là 0%, còn thuế với xăng vẫn là 20%. Từ đầu năm 2016, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).
Trong khi đó, theo Thông tư 78/2015 của Bộ Tài chính, giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút là 10%.
Việc này tạo ra một khoảng vênh 5%-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng. Điều này khiến doanh nghiệp hưởng lợi và người tiêu dùng chịu thiệt.