Sáng 25-12, hàng trăm thân nhân của các phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Xuyên Mộc - T345 (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) có mặt ở đây từ sớm để dự hội nghị gia đình phạm nhân của trại năm 2015. Khi các phạm nhân trông thấy người thân, ai nấy đều mừng mừng tủi tủi, nắm chặt tay hỏi han. Trong số đó có bà Trương Thị Gái, 55 tuổi (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM). Đã 12 năm kể từ khi con trai bà “nhập trại”, đều đặn bà lại lên xe đò từ TP.HCM xuống thăm con.
Ngày xưa cả gia đình bà Gái đều là công nhân làm dịch vụ trong cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Nhà bà có hai người con, trong đó anh Lê Minh Sơn (sinh năm 1975) là con trai. Anh Sơn cũng là công nhân lái xe vận chuyển cây kiểng trong sân bay. Bà kể: “Tui làm nghề nấu ăn, chồng tui cũng làm công nhân ở sân bay. Nhà tui ngày xưa ở quận Phú Nhuận. Thằng Sơn yêu thương một con bé gần nhà. Hai đứa quen nhau từ thuở nhỏ, rất gắn bó, yêu thương. Thằng Sơn làm được bao nhiêu tiền đều gom góp, dành dụm đưa cho con bé. Hai đứa đã dự định tới chuyện cưới hỏi, gia đình cũng chuẩn bị đi lại chính thức để đặt vấn đề. Vậy rồi năm 2003, con bé quen người khác. Do anh chị con bé làm ở một nhà hàng lớn nên giới thiệu nó quen với một người đàn ông nước ngoài. Thằng Sơn trở nên suy sụp, đau khổ và rất buồn bực. Một lần vì không kiềm chế được, nó đã dùng dao đâm chết con bé rồi uống thuốc rầy tự tử. Nhưng nó lại được người ta cứu. Nó cứ nghĩ con bé còn sống, nó chết đi là xong, nào ngờ… Khi nó tỉnh lại, tôi là người dẫn con đi ra công an đầu thú”.
Mẹ con bà Gái gặp nhau hỏi han, dặn dò. Ảnh: HP
Lê Minh Sơn bị kết án tù chung thân và chuyển về trại giam T345. “Từ ngày nó đi tù, chồng tôi bỏ đi luôn tới giờ. Con gái thì lấy chồng ở xa nên tôi ở một mình. Để có tiền lo bồi thường cho nhà bị hại, thăm nom con hằng tháng, tôi phải bán nhà để chuyển về quận 12 như hiện giờ. Lần nào thằng Sơn viết thư về nhà nó cũng nói lạy mẹ, xin lỗi mẹ, xin mẹ tha thứ cho lỗi lầm của nó. Mọi ân hận về tội lỗi với người con gái kia đều giãi bày với tôi. Tôi chỉ còn biết động viên con cố gắng cải tạo, lao động cho tốt” - bà Gái tiếp.
Vậy rồi số phận mẹ con bà Gái dường như tạm có cái kết có hậu. Trong số những lần đi thăm con, cách đây sáu năm, cùng đi với bà Gái còn có một cô gái. Cô gái này cùng chỗ làm với bà. Vì cảm thương hoàn cảnh của bà nên đã đồng ý đi cùng, đỡ đần bà trong lúc đi lại xe cộ thăm con. Trong những lần trò chuyện với anh Sơn, cô gái này và anh đã cảm mến, yêu thương nhau. Vượt qua mọi trở ngại, được sự giúp đỡ của Ban Giám thị trại T345 vì cảm thương hoàn cảnh bà Gái một mẹ một con, gia đình neo đơn, anh chị đã có những ngày tháng hạnh phúc.
Năm 2009, một công chúa nhỏ đã ra đời trong niềm vui khôn xiết của bà Gái và vợ chồng con trai. Từ đó tới nay, bà Gái cùng con dâu và cháu đến ngày thăm nuôi lại tranh thủ bắt xe đò lên trại, riêng hôm nay thì con dâu bà ốm nên không đi được. Sơn cố gắng rèn luyện, cải tạo tốt nên được vào tổ tự quản của phân trại. “Đã 12 năm rồi nó ở đây. Không biết đến bao giờ nó trở về. Nhưng tôi vẫn động viên nó phải cố gắng vượt qua, nỗ lực hơn nữa để sớm có ngày quay về với gia đình. Cảm ơn các anh cán bộ trại đã tạo điều kiện hết mức cho gia đình chúng tôi có được như bây giờ…” - bà Gái xúc động nói.
Sáng 25-12, tại trại giam Xuyên Mộc - T345, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân năm 2015 và sơ kết kế hoạch cho phạm nhân viết thư “gửi lời xin lỗi”. Qua ba đợt tổ chức viết thư đã có hơn 3.700 bức thư do phạm nhân của trại T345 viết. Trong đó có hơn 460 bức thư các phạm nhân viết gửi cho người bị hại, người thân người bị hại; hơn 3.100 bức viết gửi cho gia đình, cơ quan tổ chức, bạn bè, thầy cô… Các phạm nhân tham gia viết thư đang chấp hành án phạt tù về các tội danh trộm cắp tài sản, cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người, ma túy… ________________________________ Kế hoạch tổ chức cho phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” là một bước đột phá trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Các bức thư thực sự mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bày tỏ sự ân hận, hối lỗi với những hành vi mình đã gây ra cho người bị hại, gia đình và xã hội… Nhiều bức thư làm người đọc thực sự xúc động trước những lời xin lỗi chân thành, khát khao mong nhận được sự bao dung, tha thứ. Đại tá NGUYỄN TRỌNG TUẤN, giám thị trại T345 |