Việc ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc (TQ) mới đây giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan TQ mở ra cơ hội rất lớn cho nghề nuôi yến ở Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này còn nhiều việc phải làm.
Cơ hội nhưng không dễ
Tại hội nghị liên quan đến nuôi chim yến và xuất khẩu sản phẩm tổ yến tổ chức ngày 16-2 ở TP.HCM, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: TQ là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với khoảng 300 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Việt Nam có điều kiện, tiềm năng yến rất lớn, thuận lợi nuôi chim yến và sản phẩm tổ yến.
Đặc biệt, chất lượng sản phẩm tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, nhờ vậy sản phẩm tổ yến Việt Nam rất được khách TQ ưa chuộng. Thêm vào đó, nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch được ký kết là cơ hội cho ngành yến Việt Nam nâng cao giá trị và thương hiệu.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, để tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang TQ thì các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục, tổ chức thực hiện quy định nêu trong nghị định thư. Vì hiện nay ngành nuôi chim yến của nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Tổ yến là một trong những sản phẩm phục vụ xuất khẩu có lợi thế nhất trong các sản phẩm của ngành chăn nuôi. Ảnh: QH |
“Ví dụ trong công tác quy hoạch, đa số cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, thậm chí nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư 1-6 tỉ đồng mỗi nhà yến như ở Kiên Giang, TP.HCM” - ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay người nuôi chim yến gặp khó khăn trong việc xây mới vì theo Nghị định 13/2020 của Chính phủ thì từ ngày 1-10-2020 nhà yến hiện có phải giữ nguyên hiện trạng, tức phải chờ quy hoạch. Đó là chưa kể đến nay vẫn chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động chim yến và sản phẩm từ yến.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng như nhiều tỉnh, thành khác đều cho biết nghề nuôi chim yến đang có nhiều tồn tại cần giải quyết. Chẳng hạn, chỉ có một số ít nhà yến hiện nay do các công ty làm chủ hoặc liên doanh với các công ty có quy trình kỹ thuật, chăm sóc, vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y... được quản lý, giám sát chặt chẽ.
Không để yến Indonesia, Malaysia… “đội lốt”
Một trong những điểm yếu của ngành yến Việt Nam được ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc VinBirdnest, chỉ ra là xuất thô, giá trị thấp và qua đường tiểu ngạch. Đáng lo ngại hơn là tình trạng một số đơn vị chế biến nhập yến loại 2, loại 3, loại vụn với giá rẻ từ Indonesia, Malaysia rồi “đội lốt” yến Việt Nam có thương hiệu để bán được giá cao.
Từ thực tế này, ông Tuấn cho rằng cần giám sát chặt chẽ tình trạng gian lận, “đội lốt” và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời để tăng giá trị, thương hiệu yến sào Việt Nam bền vững phải xuất khẩu chính ngạch cũng như ngăn chặn được hàng nhập lậu kém chất lượng.
Trước mắt, để khai thông xuất khẩu cho tổ yến qua TQ theo nghị định thư, ông Tuấn đề xuất cơ quan quản lý tạm thời cấp mã số cho các công ty có nhu cầu và khách hàng xuất khẩu. Cục Chăn nuôi cần cấp mã số chính thức cho các nhà yến.
“Chúng ta phải cùng nhau đoàn kết thực hiện các yêu cầu của TQ cũng như các thị trường khác về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả sản phẩm tổ yến, tổ yến tinh chế, tổ yến sơ chế, yến vụn, yến chưa qua chế biến... đều phải dán tem truy xuất nguồn gốc. Song song đó, tạo ra các chuỗi liên kết hoặc tham gia vào chuỗi liên kết từ xây dựng nhà yến - thu hoạch - gia công, chế biến - cung ứng ra thị trường” - ông Tuấn góp ý.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng nhấn mạnh việc gắn mã số đối với từng cơ sở nuôi chim yến là hết sức cần thiết nhằm quản lý được tổng thể các nhà yến trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ NN&PTNT quản lý.
“Cục sẽ xác nhận mã số cơ sở nuôi chim yến xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hằng quý hoặc đột xuất việc quản lý kê khai, đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi chim yến; xử lý các cơ sở đã được cấp mã số không đáp ứng các yêu cầu” - ông Thắng cho hay.
Các tỉnh cần sớm quy định vùng nuôi chim yến
Kiến nghị Bộ NN&PTNT triển khai hướng dẫn cho các địa phương, thống nhất về quản lý ngành yến. Các doanh nghiệp chế biến chủ động xây dựng phần mềm cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản phẩm theo chuỗi từ nuôi, vệ sinh thú y, kiểm soát dịch bệnh, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến, tiêu thụ.
Phần mềm truy xuất nguồn gốc có thể tích hợp vào phần mềm về cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho quản lý ngành. Các địa phương chủ động hướng dẫn và cấp mã định danh cho chủ nhà yến, nhà yến theo quy định của pháp luật hiện hành, quản lý bằng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, UBND các tỉnh có nghề nuôi chim yến cần sớm xin ý kiến của HĐND tỉnh có nghị quyết quy định vùng nuôi phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.
TSNGUYỄN ĐỨC TRỌNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Đã có hơn 23.000 nhà yến trên cả nước
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt và đến năm 2022 đã có hơn 23.000 nhà yến.
Nuôi chim yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao với giá xuất khẩu 1.500-2.000 USD/kg tổ yến, tương đương khoảng 35-46,6 triệu đồng/kg tổ yến. Ngoài TQ tiêu thụ mạnh tổ yến, nhiều thị trường khác như Mỹ, Úc, New Zealand... cũng tiêu thụ mạnh mặt hàng này.
Tổ yến là một trong những sản phẩm phục vụ xuất khẩu có lợi thế nhất trong các sản phẩm của ngành chăn nuôi. Trong thời gian vừa qua tổ yến chủ yếu được xuất khẩu tiểu ngạch, thu về khoảng 200-300 triệu USD/năm. Dự kiến đến năm 2030 sản lượng yến đạt 350-400 tấn, với giá trị khoảng trên 1 tỉ USD.