Tòa án TC Úc: Báo chí phải chịu trách nhiệm về bình luận trên trang MHX của mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tòa án Tối cao Úc đã bác đơn kháng nghị trong vụ việc một công dân nước này đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải chịu trách nhiệm cho các bình luận được người dùng mạng xã hội để lại bên dưới bài đăng của các hãng này, đài ABC đưa tin.

Ngày 8-9, Tòa án Tối cao Úc ra phán quyết với lập luận rằng bằng cách quản lý các trang Facebook, các hãng truyền thông đã tạo điều kiện, khuyến khích và qua đó hỗ trợ “xuất bản” các bình luận của bên thứ ba và phải chịu trách nhiệm về các bình luận đó.

Phán quyết đánh dấu bước tiến mới trong vụ ba tờ báo lớn là The Sydney Morning Herald, The AustralianSky News bị kiện sau khi người dùng Facebook để lại nhiều bình luận bị cho là có nội dung phỉ báng bên dưới bài đăng của ba hãng truyền thông này. 

Dylan Voller - nguyên đơn trong vụ kiện đòi 3 tờ báo Úc chịu trách nhiệm cho các bình luận phỉ báng trên Facebook. Ảnh: ABC

Trong một chương trình hồi năm 2016 của ABC, một công dân Úc tên Dylan Voller - lúc đó là một phạm nhân - xuất hiện với hai tay bị cùm vào ghế và đội mũ trùm đầu. Chương trình được đặt tựa: “Nỗi xấu hổ của nước Úc”.

Các bài đăng liên quan được The Sydney Morning Herald,The AustralianSky News chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Phía dưới các bài đăng này là không ít bình luận không thiện cảm, công kích và cáo buộc nhắm vào Voller do người dùng mạng xã hội để lại trong giai đoạn tháng 7-2016 tới tháng 6-2017 - lúc Facebook chưa có tính năng tắt bình luận.

Cho rằng những bình luận như vậy là phỉ báng và các hãng truyền thông phải chịu trách nhiệm cho những bình luận đó, Voller đã đâm đơn kiện lên tòa cấp cao nhất của bang New South Wales.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là việc liệu các hãng truyền thông này có phải là “chủ thể xuất bản” các bình luận phỉ báng trên các trang Facebook của họ hay không. Năm 2019, tòa án ở New South Wales đã ra phán quyết có lợi cho Voller và các hãng truyền thông Úc đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Úc.

Trong phần tranh luận, đại diện pháp lý cho các hãng truyền thông thừa nhận có thể các tờ báo đã tạo bối cảnh dẫn tới sự xuất hiện của các bình luận nhưng không phải là “chủ thể xuất bản”. Còn luật sư của Voller cho rằng dù mức độ liên can là nhỏ, bất kỳ người nào liên quan đều là “chủ thể xuất bản”.

Những thay đổi sau vụ kiện của Voller và phán quyết hôm 8-9

Phán quyết ngày 8-9 của Tòa án Tối cao Úc chưa giải quyết câu hỏi liệu các bình luận trên Facebook như vậy có nội dung phỉ báng hay không, song đã mở ra cơ hội cho Voller tiếp tục vụ kiện của mình.

Hoan nghênh phán quyết này, nhóm luật sư của Voller nhấn mạnh: “Đây là một bước tiến lịch sử trong việc đạt được công lý cho Dylan và cũng trong việc bảo vệ các cá nhân, đặc biệt là những người đang ở vị thế dễ bị tổn thương, khỏi trở thành đối tượng của các cuộc tấn công vô cớ trên mạng xã hội”.

Phán quyết đã đặt ra vấn đề lớn cho các hãng truyền thông trong việc quản lý các bình luận trên các trang mạng xã hội do các hãng này quản lý.

Đài Nine - một mạng lưới truyền thông lớn tại Úc tỏ ra “thất vọng” trước phán quyết này.

Nine mong muốn khi xem xét sửa đổi Các điều khoản mẫu về phỉ báng, giới lập pháp Úc sẽ xét tới nội dung và hệ quả của phán quyết hôm 8-9. Các điều khoản mẫu về phỉ báng là văn bản luật của Úc nhằm cân bằng các quyền để bảo vệ cả quyền tự do và danh dự của các cá nhân. Quá trình sửa đổi luật này đang được tiến hành.

Nine cũng ghi nhận những thay đổi tích cực của Facebook - như việc bổ sung tính năng tắt bình luận - và người dùng mạng sau vụ việc của Voller. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm