Ông Nguyễn Đức Thịnh, sinh năm 1959, trú phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, vừa có đơn khiếu nại, tố cáo ba thẩm phán của TAND TP Hải Phòng là thành viên của HĐXX phúc thẩm vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản xét xử ngày 25-7-2016. Theo ông Thịnh, HĐXX phúc thẩm đã ra một bản án vi phạm nghiêm trọng BLTTDS.
Chia đều cho cả con anh, con em và con chúng ta
Theo hồ sơ, cụ Đào Văn Rậm có người con riêng là bà Đào Thị Nụ. Khi lấy cụ Vũ Thị Hường - người vợ thứ hai, cả hai có người con chung tên là Đào Thị Hướng. Năm 1949, cụ Rậm hy sinh và được công nhận liệt sĩ. Sau đó cụ Hường đi lấy chồng khác và có với người chồng mới này một người con, tên chính là ông Nguyễn Đức Thịnh. Tuy vậy, người con riêng của người chồng cũ - tức bà Nụ - vẫn ở chung với cụ Hường.
Năm 2003, cụ Hường đã lập giấy chia mảnh đất 410 m2 do cụ đứng tên trên giấy đỏ cho các con, không phân biệt con đẻ của cụ và con riêng của chồng.
Theo giấy phân chia đất ở cho các con thì toàn bộ diện tích 410 m2 đất được chia làm bốn phần bằng nhau, trong đó bà Nụ, bà Hướng và ông Thịnh mỗi người được chia một phần, phần còn lại cụ Hường giữ.
Trong bản phân chia đất này, cả hai người con đẻ của cụ Hường (bà Hướng và ông Thịnh) cùng bà Nụ (con riêng của cụ Rậm) đều ký ở dưới, có xác nhận của chính quyền địa phương. Cả ba người con này đều nhận phần đất của mình.
Ông Nguyễn Đức Thịnh đang khiếu nại, tố cáo các thẩm phán trong HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Sơ thẩm: Con riêng của chồng hưởng nửa gia tài
Ngày 20-10-2009, cụ Hường làm di chúc cho con trai út của cụ (ông Thịnh) phần đất còn lại của cụ. Cụ Hường có nhờ tổ trưởng tổ dân phố, hai người hàng xóm và phó trưởng công an phường nơi cụ sống (phường Vạn Mỹ) chứng kiến việc lập di chúc và ký xác nhận.
Năm 2013, cụ Hường qua đời.
Sau đó, bà Nụ đã làm đơn yêu cầu chia thừa kế tài sản gồm ba phần đất đã được chia và cấp giấy đỏ cho bà Hướng, ông Thịnh và cụ Hường (trừ phần đất còn lại do bà Nụ đứng tên). Lý do: Bà Nụ không công nhận bản di chúc của cụ Hường.
Xử sơ thẩm, TAND quận Dương Kinh, Hải Phòng đã bác di chúc của cụ Hường và chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Nụ. Tòa chia phần diện tích đất mà bà Nụ yêu cầu chia thừa kế (gồm ba phần cũ ngày xưa cụ Hường từng chia rạch ròi) thành ba phần, bà Hướng một phần, ông Thịnh một phần, bà Nụ một phần.
Như vậy, bà Nụ mặc nhiên lại được thêm một phần đất nữa, cộng với phần ngày xưa cụ Hường đã chia vị chi bà Nụ được hai phần đất trong số bốn phần mà cụ Hường đã chia. Nói cách khác, phần đất còn lại của cụ Hường mà cụ đã di chúc để lại cho ông Thịnh bây giờ bà Nụ hưởng luôn.
Bác tất tần tật nhưng nguyên đơn vẫn thắng
Sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 16-3-2016, VKSND quận Dương Kinh ra quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Quyết định kháng nghị yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng công nhận và tôn trọng di chúc của cụ Hường; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (bà Nụ); sửa lại cách tuyên án phí sơ thẩm cho bà Nụ.
Gia đình ông Thịnh cũng có kháng cáo.
Ngày 26-7, TAND TP Hải Phòng đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Kết quả, HĐXX đã tuyên một bản án khá kỳ lạ: Bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn (ông Thịnh), bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (bà Nụ), bác kháng nghị của VKS.
Đồng thời, HĐXX tuyên xử: Phần đất vốn của cụ Hường, bà Hướng và ông Thịnh (ba phần mà trước đây cụ Hường từng chia, trừ phần đã chia cho bà Nụ) được chia thành ba phần, bà Hướng và ông Thịnh mỗi người lấy một phần, phần còn lại tòa giao cho bà Nụ để bà Nụ quản lý làm nơi thờ cúng cụ Hường.
Như vậy, tuy lập luận có khác nhưng về bản chất cách chia của tòa phúc thẩm vẫn cho ra kết quả như tòa sơ thẩm. Nghĩa là bà Nụ vẫn được một nửa số đất, hai người con đẻ của cụ Hường mỗi người được 1/4 miếng đất ban đầu.