Không rõ địa chỉ bị đơn, phải làm sao?

Trước đây, các hộ dân ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên (Bến Cát, Bình Dương) vẫn sử dụng chung một lối đi chạy ra lộ đất đỏ. Sau đó lối đi này nằm trong giấy đỏ mà huyện Bến Cát cấp cho ông PĐB (ngụ TP Cam Ranh, Khánh Hòa). Ông B. khởi kiện yêu cầu TAND huyện buộc bà Đoàn Ngọc Huệ và các hộ dân trả lại lối đi. Phía bà Huệ thì cho rằng lối đi này do Tỉnh đội Tiền Giang mở từ năm 1991 để thuận tiện đi lại và sản xuất, các hộ dân vẫn sử dụng để vào đất của mình.

Tòa xử mà không tính lối đi cho dân

Sau khi TAND huyện Bến Cát và TAND tỉnh Bình Dương chấp nhận yêu cầu của ông B., cơ quan thi hành án dân sự đã xây một bức tường bít lại lối đi trên. Không còn lối đi, bà Huệ và các hộ dân phía trong phải xin đi nhờ băng ngang đất của các chủ đất khác để ra lộ. “Những con đường vòng vo, trơn trượt này làm chúng tôi mất thời gian gấp 3-4 lần bình thường so với lối đi cũ. Heo đến lứa xuất chuồng phải gọi người mua vào bán rẻ vì không thể đưa ra đường cái bán được. Thương lái mua cao su phải bỏ xe tải ngoài đường, lội bộ vào vườn vác hàng ra” - bà Huệ kể.

Tháng 10-2014, hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ kiện của ông B. đã bị TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy với nhận định: Lối đi có từ trước khi ông B. về địa phương nhận chuyển nhượng đất. Hồ sơ thể hiện ngoài lối đi tranh chấp này thì bà Huệ và các hộ dân không còn lối đi nào khác. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang xác nhận lối đi là do họ mở. Ông B. cũng xác nhận điều này. Trong khi đó, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa làm rõ lối đi tranh chấp có phải là đường do Tỉnh đội Tiền Giang mở hay không. Trường hợp xác định lối đi này thuộc đất ông B. thì phải giải quyết cho bà Huệ và các hộ dân phía trong có đường đi vào đất của mình…

Bức tường chắn lối đi chung ra lộ của bà Đoàn Ngọc Huệ và nhiều hộ dân khác. Ảnh: P.LOAN

Không rõ địa chỉ mới của bị đơn

Hồ sơ vụ án được trả về cho TAND huyện Bàu Bàng (từ huyện Bến Cát tách ra) thụ lý, giải quyết lại. Tháng 3-2015, ông B. rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên TAND huyện Bàu Bàng đình chỉ giải quyết vụ án.

Vụ án bị đình chỉ nhưng bức tường chắn lối đi chung vẫn nằm đó. Theo hướng dẫn của các cơ quan ở địa phương, để xử lý bức tường này, bà Huệ phải kiện ra tòa. Thế là bà Huệ và các hộ dân nộp đơn kiện ông B. ra TAND huyện Bàu Bàng để tranh chấp lối đi chung. Đầu năm 2016, TAND huyện Bàu Bàng đã thụ lý vụ kiện.

Bà Huệ cung cấp cho tòa địa chỉ của ông B. đúng như địa chỉ ghi trên các bản án mà ông B. là nguyên đơn. Đến ngày 18-7, thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ kiện ra thông báo yêu cầu giao nộp chứng cứ. Thông báo này nêu rõ: “Trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận thông báo này, các nguyên đơn phải nộp cho tòa địa chỉ của bị đơn (ông B.), hiện nay ông B. đang ở đâu. Chứng cứ cung cấp phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi ông B. cư trú…”.

Theo bà Huệ, tòa xác minh địa chỉ ông B. cung cấp khi kiện bà và các hộ dân thì địa phương nói ông B. không còn ở Cam Ranh nữa. “Tôi có cung cấp cho thẩm phán thông tin là ông B. có đất nằm cạnh đất của tôi. Thường thường thứ Bảy và Chủ nhật ông đều về coi sóc trang trại, trả lương công nhân. Tuy nhiên, thẩm phán bảo cuối tuần không làm việc và yêu cầu chúng tôi phải tự liên hệ địa phương xác minh” - bà Huệ kể. Bà nói bây giờ không biết phải làm sao để biết địa chỉ mới của ông B. và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi ông B. cư trú để cung cấp cho tòa.

Sắp có hướng tháo gỡ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết trường hợp “không rõ địa chỉ bị đơn” như trên xảy ra khá phổ biến. Pháp luật tố tụng dân sự trước đây quy định trong đơn khởi kiện, người khởi kiện (nguyên đơn) phải ghi đầy đủ tên, địa chỉ cư trú hiện tại của bị đơn. Trường hợp nguyên đơn không ghi đầy đủ, đúng tên, địa chỉ của bị đơn thì tòa trả lại đơn. Tòa không được tự thông báo tìm bị đơn vì đây là nghĩa vụ của nguyên đơn. Trường hợp nguyên đơn ghi đầy đủ, cụ thể và đúng địa chỉ của bị đơn nhưng bị đơn không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với nguyên đơn thì được coi là trường hợp cố tình giấu địa chỉ và tòa thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Vấn đề là việc nguyên đơn phải tự tìm địa chỉ của bị đơn khi họ thường xuyên thay đổi nơi cư trú, chứng minh họ không thông báo địa chỉ mới nhằm giấu địa chỉ… là rất khó nên nguyên đơn đành bó tay.

Tuy nhiên, vướng mắc này sắp tới có thể sẽ được giải quyết bởi dự thảo lần một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 (về trả lại đơn kiện, hậu quả của việc trả lại đơn kiện) đang được đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo, trường hợp người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của bị đơn, người liên quan nhưng sau khi thụ lý vụ án tòa không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người liên quan không có mặt tại địa chỉ mà người khởi kiện cung cấp thì tòa yêu cầu người khởi kiện cung cấp địa chỉ đúng của họ. Trường hợp người khởi kiện đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không cung cấp được đúng địa chỉ của bị đơn, người liên quan thì có quyền yêu cầu tòa thu thập, xác minh địa chỉ đúng của bị đơn, người liên quan theo quy định của pháp luật. Tòa đã tiến hành thu thập, xác minh theo yêu cầu của người khởi kiện nhưng vẫn không xác định được đúng địa chỉ của bị đơn, người liên quan thì đình chỉ giải quyết vụ án, trừ những trường hợp:

a) Trường hợp người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà sau 24 tháng kể từ ngày chuyển đi khỏi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú làm cho người khởi kiện không biết được thì được coi là “che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện”;

b) Trường hợp người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện liên quan theo giao dịch, hợp đồng các bên đã giao kết thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú” theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015.

Theo tìm hiểu của PV, các tòa đều thống nhất với quy định trong dự thảo vì phù hợp với Luật Cư trú 2006 và BLDS 2015.

Ở đâu cũng phải thông báo

theo Điều 192 BLTTDS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), trường hợp nguyên đơn đã ghi đầy đủ, đúng địa chỉ nơi cư trú của bị đơn trong đơn khởi kiện nhưng bị đơn không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho nguyên đơn không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với nguyên đơn thì thẩm phán không trả lại đơn kiện mà xác định bị đơn cố tình giấu địa chỉ và thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm