Tọa đàm khoa học giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PLO)- Nhiều chuyên gia nhìn nhận, sự ra đời tác phẩm một lần nữa khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là tất yếu, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”- của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ trì buổi toạ đàm gồm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải.

Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh toạ đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phát biểu đề dẫn và khai mạc toạ đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải, cho biết từ khi tác phẩm được công bố đến nay, đã có hàng nghìn bài viết, bài bình luận của đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên, đồng thời nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của một số Đảng Cộng sản, Đảng Lao động trên thế giới.

Theo ông Hải, tác phẩm tập trung vào trả lời bốn câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa và đặt ra vấn đề gì?

“Bằng những lập luận khoa học chặt chẽ, phân tích sâu sắc, biện chứng, đúc kết từ thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng bước trả lời cho 4 câu hỏi trên”- ông Hải nói.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo trình bày tham luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo trình bày tham luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tham gia toạ đàm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nêu vấn đề phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng trong tác phẩm của Tổng Bí thư.

Bà Thảo nhận định, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việc xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.

“Trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”- nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận.

Trả lời cho câu hỏi “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN?” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nêu quan điểm, điều mà nhân dân Việt Nam cần là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.

Những mong ước tốt đẹp đó chính là giá trị đích thực của CNXH, cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Trả lời cho 4 câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM nêu quan điểm: Sự kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên định chủ trương đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là nhận thức về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nhận thức về mô hình XHCN mà nhân dân xây dựng và định hướng về những nhiệm vụ mà dân tộc phải giải quyết trên con đường đi lên XHCN.

Ngoài ra, toạ đàm còn sự tham gia đóng góp ý kiến của Ban Cán sự Đảng UBND TP, các sở ban ngành và các lãnh đạo, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Cán bộ, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu lý luận trong và ngoài TP.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê, để chuẩn bị cho buổi tọa đàm, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tiếp nhận trên 80 bài tham luận từ các tập thể, cá nhân gửi về.

“Hầu hết các bài viết đều thống nhất, sự ra đời tác phẩm một lần nữa khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là tất yếu, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”- ông Khuê nói.

Sau khi nghe phát biểu tham luận của chuyên gia, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM nhìn nhận, các phát biểu đã tập trung phân tích, minh chứng bằng những số liệu, công trình, mô hình,... trên tất cả các lĩnh vực từ xây dựng Đảng, xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” cho đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa, xã hội...

Sau tọa đàm, ông Khuê yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân TP hiểu rõ hơn về CNXH, đồng thời nhận thức được vị trí, vai trò của mỗi cá nhân cần phải đóng góp như thế nào cho quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên CNXH của đất nước.

Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản vào mùa xuân năm 2022, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Công trình tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay. Trong đó, trọng tâm là tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" được Tổng Bí thư viết vào ngày 15-5-2021, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm