TAND huyện Sơn Hòa, Phú Yên vừa xử sơ thẩm vụ ông Trần Văn Năm đòi ông Hoàng Văn Lương trả hai con trâu mẹ và một con nghé.
Ông Năm trình bày có nuôi một đàn trâu 65 con và có xây trại cho trâu ở. Ngày 15-4, ông Năm phát hiện đàn trâu bị mất ba con gồm hai con trâu mẹ và một con nghé. Quá trình tìm kiếm, được một số người mách, ông Năm đến trại trâu của ông Lương thì thấy ba con trâu của mình đang được nuôi nhốt trong chuồng cùng với hai con trâu khác.
Ông Năm đề nghị ông Lương phân biệt trâu bằng cách sơn sừng ba con trâu này rồi dắt lên khu vực suối Sóc Bay thả. Nếu ba con trâu đi về khu vực Cầu Đau là trâu của ông, còn đi về hướng rừng Sốt Rét là trâu của ông Lương. Tuy nhiên, ông Lương không đồng ý, cho rằng nếu thả trâu ra sẽ thất lạc. Ông Năm cam kết nếu trâu mất, ông sẽ đền cho ông Lương một con thành hai nhưng ông Lương vẫn không đồng ý.
Từ đó, ông Năm khởi kiện ra tòa yêu cầu ông Lương trả lại ba con trâu và bồi thường tiền công chăm sóc (ông Năm xin chăm sóc trâu, chờ tòa xét xử) từ ngày 28-5 đến ngày tòa xử xong là hơn 5 triệu đồng. Ông Năm cũng có cam kết với UBND xã là không bán, không tặng cho hay giết mổ trong thời gian tòa giải quyết.
Khi xét xử, tòa đã cho đưa 1 trong 3 con trâu đến phòng xử án để xem xét, làm rõ chi tiết trâu bị bấm lỗ tai hay bị gai cào rách tai. Ảnh minh họa
Bị đơn là ông Lương không đồng ý trả lại trâu vì cho rằng mình mua ba con trâu này của ông Lê Mo Thiện ở huyện Krông Pa, Gia Lai, có giấy tờ mua bán. Khi mua, ông bắt ba con trâu ở khu vực rừng Sốt Rét chứ không phải tại khu vực Cầu Đau nơi ông Năm chăn thả trâu.
Đối với yêu cầu đòi bồi thường tiền công chăm sóc, ông Lương không đồng ý vì ông Năm xin UBND xã Phước Tân dắt ba con trâu về chăm sóc, chưa có ý kiến của ông. Cạnh đó, ông Lương cũng phản tố, nếu tòa tuyên ba con trâu thuộc quyền sở hữu của ông thì yêu cầu ông Năm phải chịu chi phí vận chuyển ba con trâu về Hải Phòng bán là 35 triệu đồng.
Người bán trâu cho ông Lương là ông Thiện trình bày: Ông có đàn trâu thả rong tại khu vực rừng Đồng Tra, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa từ năm 1995. Do thả trong rừng quá lâu, trâu có bản năng hoang dã nên không tiếp xúc được, đến năm 2005 ông không lên thăm đàn trâu nữa. Năm 2020, ông bán cho ông Lương ba con trâu với giá 22,5 triệu đồng.
Theo ông Thiện, do thả rong lâu, ông không biết trâu của mình có đặc điểm như thế nào. Khi bán hai bên không đi coi trâu mà chỉ nói bằng miệng là trâu của ông đang thả ở rừng Đồng Tra. Hai bên thỏa thuận ông Lương đi bắt ba con trâu, còn bắt như thế nào là việc của ông Lương.
Tại tòa, HĐXX nhận định ông Năm đề nghị ông Lương thả trâu tại vị trí bắt, nếu trâu đi về hướng Cầu Đau là trâu của ông Năm, còn đi về rừng Sốt Rét, Đồng Tra là trâu của ông Lương. Xét thấy đây là phong tục của địa phương để xác định quyền sở hữu trâu thuộc về ai theo đề nghị của ông Năm là có cơ sở nhưng ông Lương không thực hiện.
Ông Năm còn xác định ba con trâu của ông có một con trâu mẹ bấm lỗ tai, phù hợp với lời khai của các nhân chứng và báo cáo gửi cho xã của ông Năm. Trong khi ông Lương và ông Thiện thì cho rằng lỗ tai con trâu này không phải bị bấm mà là do gai cào rách để lại sẹo.
Để làm rõ chi tiết này, HĐXX đã yêu cầu đưa con trâu này đến trụ sở tòa án để xem xét. HĐXX mời cán bộ trạm chăn nuôi và thú y huyện Sơn Hòa đến phiên tòa và xác định con trâu đúng là bị bấm lỗ tai chứ không phải bị gai cào, dấu vết bấm lỗ tai là dấu cũ.
Từ đó, HĐXX thấy lời trình bày của ông Năm là phù hợp nên cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi lại ba con trâu.
Đối với yêu cầu đòi bồi thường tiền công chăm sóc trâu, HĐXX không chấp nhận, cho rằng ông Năm đã xác định là trâu của mình và tự nguyện nhận ba con trâu về chăm sóc thì phải bỏ công chăm sóc.
Cuối cùng tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Năm, buộc ông Lương trả lại ba con trâu. Ông Lương phải chịu chi phí định giá, chi phí đi lại thẩm định và án phí tổng cộng 7,5 triệu đồng.