Mới đây, VKS huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND huyện này trong vụ kiện đòi đất của bà PTN theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Trong đơn khởi kiện tháng 5-2009, bà N. trình bày năm 1990 mẹ bà mất để lại nhà, đất tại xã Long Mỹ (Đất Đỏ) nhưng không có di chúc. Diện tích đất trên hiện do các con bà chia nhau quản lý, sử dụng. Sau đó một trong những người con của bà là bà TTMA đã được cấp giấy đỏ cho phần đất mình đang quản lý, sử dụng.
Cha mẹ bà N. có hai con, một người đã mất nên chỉ còn bà N. là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nhà, đất trên. Nay bà N. đòi lại phần diện tích hơn 700 m2 đất mà bà A. đang quản lý, sử dụng với lý do bảo vệ mồ mả của ông bà trên đất.
Bà A. thừa nhận phần đất trên do bà ngoại để lại nhưng bà nói mình là người phụng dưỡng bà ngoại, trực tiếp quản lý, sử dụng đất hợp pháp và đã được cấp giấy đỏ nên không chấp nhận trả đất cho bà N.
Tháng 7-2010, TAND huyện Đất Đỏ đã xử sơ thẩm lần thứ nhất, bác yêu cầu của bà N. vì cho rằng trong thời hạn mở thừa kế, bà N. không yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình, không bác bỏ quyền thừa kế của người khác nên di sản không đương nhiên thuộc về bà N. Thời hiệu thừa kế di sản đã hết và đây không thuộc trường hợp chia tài sản chung theo Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Một tháng sau, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm đã hủy bản trên. Theo tòa, các đương sự đều thừa nhận diện tích đất tranh chấp là di sản để lại không có di chúc. Yêu cầu của bà N. đã quá thời hạn 10 năm kể từ ngày phát sinh quyền thừa kế, theo Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì di sản trên trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, được phân chia theo các quy định về tài sản chung…
Tháng 7-2013, xử sơ thẩm lần hai, TAND huyện Đất Đỏ tiếp tục bác yêu cầu của bà N. với lý do tương tự lần xử trước. Hai tháng sau, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm lần hai tiếp tục hủy án. Theo tòa, đây là vụ kiện yêu cầu chia tài sản chung nhưng cấp sơ thẩm lại xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất, do xác định sai quan hệ pháp luật dẫn đến việc giải quyết án không chính xác…
Ngày 20-10 vừa qua, xử sơ thẩm lần ba, TAND huyện Đất Đỏ lại bác yêu cầu của bà N. vì cho rằng đây không phải là tài sản chung chưa chia và bà A. là người sử dụng đất hợp pháp. Ngoài ra, tòa còn cho bà A. được bốc, di dời hai ngôi mộ trên đất tranh chấp.
Trong văn bản kháng nghị, VKS huyện Đất Đỏ cho rằng việc tòa sơ thẩm xác định đây là tranh chấp quyền sử dụng đất là không chính xác, công nhận cho bà A. được bốc, di dời mộ là không đúng, có nhiều vi phạm tố tụng…
ĐỨC TRÍ