Ngày 4-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng sẽ đưa bị cáo Nguyễn Thị Bích Loan ra xử phúc thẩm (lần 2) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, TAND tỉnh Quảng Ngãi xử sơ thẩm (lần 2) đã phạt Loan 12 năm tù về tội trên.
Vụ án này gây nhiều chú ý ở chỗ khi xử sơ thẩm (lần đầu), TAND tỉnh Quảng Ngãi từng tạo ra một chuyện hi hữu trong tố tụng là kết án bị cáo về một tội nặng hơn tội mà VKS truy tố.
Lấy vàng không trả tiền
Theo cáo trạng của VKS tỉnh Quảng Ngãi, ngoài ngành nghề kinh doanh môi giới bất động sản, kinh doanh vàng bạc (hiệu vàng Kim Loan), từ năm 2005, Loan còn tự làm dịch vụ tín dụng cho vay lấy lãi. Từ năm 2008 đến tháng 10-2010, Loan đã cho bà NTNM (chủ hiệu vàng KTM) vay tiền nhiều lần, mỗi lần từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng.
Ngày 14-10-2010, Loan trực tiếp đến nhà bà M. chốt nợ. Hai bên thống nhất bà M. còn nợ Loan hơn 3 tỉ đồng. Loan đồng ý cho bà M. 1 tỉ đồng, chỉ nhận hơn 2 tỉ đồng và hai bên thống nhất quy đổi ra vàng để cấn trừ. Nhận vàng xong, Loan viết giấy xóa nợ cho bà M.
Sáng 15-10-2010, Loan lại đến tiệm vàng của bà M. mua 125 triệu đồng tiền nữ trang và thanh toán bình thường. Sau đó vì muốn lấy lại 1 tỉ đồng đã cho bà M., sáng 16-10-2010, Loan chở mẹ đem theo cân điện tử đến tiệm vàng của bà M. mua thêm vàng. Tại đây, sau khi nhận được gần 465 chỉ vàng trắng, 303 chỉ vàng 18K (giá tổng cộng hơn 1,2 tỉ đồng), Loan đem ra bỏ vào cốp xe máy và nói người nhà bà M. là ra xe để lấy tiền. Tuy nhiên, khi ra xe, Loan lại nói: “Tao nói chị mày rồi, lên nhà tao trả” rồi chạy xe về. Khi người nhà của bà M. đến nhà để lấy tiền thì Loan nói không trả.
Bà M. tố cáo Loan ra công an. Tháng 11-2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi khởi tố Loan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 4-2012, VKS tỉnh Quảng Ngã ra cáo trạng truy tố Loan về tội này và chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp.
Sai lầm nghiêm trọng
Tháng 9-2013, TAND tỉnh Quảng Ngãi xử sơ thẩm (lần đầu), nhận định từ các chứng cứ, tài liệu, lời khai của các bên và diễn biến tại phiên tòa cho thấy có căn cứ xác định Loan có lấy gần 465 chỉ vàng trắng của bà M. nhưng không đủ căn cứ để xác định bị cáo có lấy 303 chỉ vàng 18K như VKS đã truy tố. Ngoài ra hành vi của bị cáo không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Từ đó HĐXX đã vận dụng Điều 196 BLTTHS (về giới hạn của việc xét xử), đồng thời áp dụng Điều 47 BLHS (về quyết định hình phạt có nội dung nhẹ hơn quy định của bộ luật) để xử dưới khung, phạt Loan 34 tháng tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Ở đây, điều đáng nói là HĐXX đã mắc một sai lầm nghiêm trọng và khá hi hữu là kết án bị cáo về một tội nặng hơn tội mà VKS truy tố.
Cụ thể, theo Điều 196 BLTTHS, tòa chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. Trong khi đó, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là tội nặng hơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (mức án cao nhất của cả hai tội đều là tù chung thân nhưng mức án thấp nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là ba năm cải tạo không giam giữ, còn mức án thấp nhất của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là sáu tháng tù). Do vậy, việc HĐXX kết án bị cáo về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là vi phạm giới hạn xét xử.
Vì sai lầm trên, bản án sơ thẩm đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hủy vào tháng 6-2014. Theo tòa phúc thẩm, ngoài ra tòa sơ thẩm áp dụng Điều 47 BLHS để xử dưới khung đối với bị cáo cũng không chính xác, đồng thời hành vi của bị cáo có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là công nhiên chiếm đoạt tài sản như tòa sơ thẩm nhận định.
Sau đó xử sơ thẩm (lần 2), TAND tỉnh Quảng Ngãi đã phạt Loan 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án khi có kết quả xét xử phúc thẩm (lần 2).
Lấy vàng để cấn trừ nợ? Sau phiên tòa sơ thẩm (lần đầu), Loan kháng cáo kêu oan, trình bày giữa bị cáo với bà M. có quan hệ vay mượn nhiều năm với số tiền rất lớn. Do bà M. bị nhiều chủ nợ đến đòi nên bị cáo với bà M. lập giấy có nội dung bị cáo cho bà M. 1 tỉ đồng và giữa hai bên đã hết nợ nhằm tạo niềm tin cho các chủ nợ khác. Đây chỉ là hợp đồng giả cách bởi bị cáo không thể cho không bà M. cả tỉ đồng được. Bằng chứng của việc giả cách này là bà M. có thế chấp cho bị cáo hai giấy mượn nợ có giá trị 900 triệu đồng. Đồng thời, sáng 16-10-2010 (ngày xảy ra vụ việc), chính bà M. đã gọi điện thoại cho bị cáo đến lấy vàng để cấn trừ nợ. Bị cáo chỉ nhận gần 465 chỉ vàng trắng, còn 303 chỉ vàng 18K thì bà M. giao cho một chủ nợ khác. Do bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tài sản của bà M., không có hành vi gian dối nên không phạm tội. Theo ThS Mai Khắc Phúc (giảng viên Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), để xử lý vụ án chính xác, không làm oan người vô tội thì trước khi kết tội bị cáo, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ có hay không việc hai bên lập hợp đồng giả cách, có hay không việc bà M. gọi bị cáo đến lấy vàng cấn trừ nợ… Phân biệt tội nặng nhẹ ra sao? Về nguyên tắc, để phân biệt tội nặng hay nhẹ, đầu tiên phải so sánh mức hình phạt cao nhất, chẳng hạn tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình sẽ nặng hơn tội có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Nếu mức hình phạt cao nhất giống nhau thì lúc đó mới so sánh mức hình phạt thấp nhất. Trong trường hợp hai tội có hình phạt chính nhẹ nhất khác nhau thì so sánh các hình phạt chính đó, chẳng hạn tội có hình phạt chính nhẹ nhất là cảnh cáo sẽ nhẹ hơn tội có hình phạt chính nhẹ nhất là tù có thời hạn... Ở vụ án này, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hình phạt chính nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có hình phạt chính nhẹ nhất là tù có thời hạn. Theo Điều 28 BLHS, hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn nên tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhẹ hơn tội danh công nhiên chiếm đoạt tài sản. Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm |