VỤ TÁM NGƯỜI BỊ TÙ VÌ CHẶT 12 CÂY TRÀM

Viện nói không tội, tòa vẫn kết án

Sau năm ngày nghị án, ngày 13-4, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án vụ hủy hoại tài sản đối với bảy bị cáo trong vụ chặt 12 cây tràm. Điều đáng nói là tại phiên tòa phúc thẩm này, kiểm sát viên giữ quyền công tố đã đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng không xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, tòa vẫn tuyên y án sơ thẩm.

Đi tù vì chặt 12 cây tràm

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP Biên Hòa đã phạt năm bị cáo Đinh Trọng Thúc, Vũ Thị Mộng Thu, Ngô Quang Tuyên, Vũ Thị Mộng Huyền và Nguyễn Thị Thu Hường mỗi người năm tháng bốn ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Tòa tuyên trả tự do cho các bị cáo ngay tại tòa. Ba bị cáo Nguyễn Tồn Chí, Nguyễn Thị Anh và Đỗ Thị Le bị phạt sáu tháng tù treo. Các bị cáo này bị quy buộc đã chặt 12 cây tràm của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Trừ Chí, bảy bị cáo còn lại kháng án kêu oan.

 Ngày 4-12-2001, được sự đồng ý của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, ông Ngô Văn Yến (người được Trung tâm Lâm nghiệp ký hợp đồng giao 1 ha đất) chuyển nhượng lại hợp đồng trên cho người khác. người này lại sang nhượng trái phép khu đất cho nhiều người khác nữa…

Ngày 13-10-2014, các bị cáo trên (là những người nhận chuyển nhượng sau cùng) đến chặt 12 cây tràm và dọn cỏ trên lô đất nói trên để sử dụng. Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa phát hiện, lập biên bản sự việc và chuyển hồ sơ cho Công an TP Biên Hòa. Sau đó các bị cáo bị khởi tố và truy tố tội hủy hoại tài sản.

Các bị cáo đang nghe tòa phúc thẩm tuyên án. Ảnh: TIẾN DŨNG

Viện bảo không đủ cơ sở buộc tội

Tại tòa, đại diện Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa thừa nhận không có thiệt hại vì trung tâm này đã thu hồi số tràm bị chặt và bán hóa giá. Trung tâm cho biết họ đã thu hồi số tiền đúng bằng số tiền mà cơ quan chức năng đã xác định và cơ quan tố tụng cho rằng đó là giá trị thiệt hại. Do vậy, trung tâm không yêu cầu bồi thường nữa.

Các luật sư cho rằng theo luật, tội hủy hoại tài sản phải xác định được thiệt hại (do hành vi phạm tội, nếu có) nhưng không có giám định nào hoặc căn cứ nào để xác định thiệt hại. Và Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa cũng khẳng định không bị thiệt hại và không yêu cầu bồi thường. Do vậy, các luật sư đề nghị tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm và tuyên các bị cáo vô tội.

Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai giữ quyền công tố tại tòa cũng cho rằng hành vi chặt 12 cây tràm của các bị cáo không gây thiệt hại. Bởi sau khi các bị cáo chặt cây, trung tâm đã tịch thu và bán thanh lý, thu hồi tài sản, hậu quả thiệt hại tài sản không xảy ra. Đại diện VKS cũng cho rằng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng về bảo quản vật chứng nên không xác định được hành vi phạm tội hủy hoại của các bị cáo. Từ đó, viện đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Tòa vẫn cứ kết án, đúng không?

Đề nghị của viện là thế nhưng cuối cùng TAND tỉnh Đồng Nai vẫn bác kháng cáo, tuyên giữ nguyên hình phạt đối với bảy bị cáo kháng cáo.

Đây là tình huống khá hi hữu trong thực tiễn xét xử.

Về thẩm quyền xét xử, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho rằng trường hợp này (viện đề nghị hủy án) tòa vẫn được quyền xét xử tiếp và tuyên án.

Tuy nhiên, ở góc độ nội dung, việc tòa vẫn kết án khi VKS không chứng minh được tội phạm lại khiến nhiều người băn khoăn.

Bởi lẽ theo luật, với các tội xâm phạm quyền sở hữu, việc xác định thiệt hại là yếu tố bắt buộc để định tội và lượng hình. Ở đây, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, viện đã không xác định được thiệt hại và không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo. Nói cách khác là cơ quan công tố nhưng VKS đã nhận thấy không đủ chứng cứ để buộc tội các bị cáo nên mới phải đề nghị hủy án. Một khi viện đã không bảo vệ được quan điểm buộc tội của mình thì làm sao tòa có đủ căn cứ để kết tội các bị cáo?...

Đây là vấn đề khá mới mẻ, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến luận bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm