Tòa không cho ly hôn vì phường nói không mâu thuẫn

(PLO)- HĐXX phúc thẩm căn cứ vào văn bản UBND phường xác minh rằng “vợ chồng không mâu thuẫn, quan hệ gia đình không có gì đang lưu ý” để bác đơn ly hôn của người chồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lẽ thường, cuộc sống vợ chồng có ấm êm hay không, có mâu thuẫn trầm trọng hay không thì chỉ vợ chồng đó tường tận nhất.

Tuy nhiên, trong câu chuyện dưới đây, tòa lại căn cứ vào văn bản phường xác minh rằng “vợ chồng không mâu thuẫn” để bác đơn ly hôn của người chồng.

Sơ thẩm: Chuyện nhà ai nấy biết, cho ly hôn vì mâu thuẫn trầm trọng

Năm 2004, ông T và bà H đăng ký kết hôn tại UBND phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM. Năm 2019, ông T khởi kiện yêu cầu được ly hôn với bà H. Họ có một con chung đã trưởng thành.

Hình minh họa

Hình minh họa

Điều kiện để được tòa cho ly hôn

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo điểm a.1 Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000) thì tình trạng của vợ chồng được coi là trầm trọng khi: Vợ, chồng không thương yêu, chung thủy, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ và có quan hệ ngoại tình... đã được bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo, hòa giải nhiều lần.

Theo ông T, ông bà tính tình không hợp, quan điểm sống khác biệt nên vợ chồng ngày càng lạnh nhạt, không quan tâm lẫn nhau. Ông ra ngoài sinh sống từ năm 2017.

Bà H thì cho rằng vợ chồng không có mâu thuẫn gì trầm trọng. Ông T bỏ nhà đi và có người khác nhưng bà vẫn chấp nhận vì con. Bà không đồng ý ly hôn vì còn thương yêu.

Sau khi thụ lý, TAND quận 1 đã hòa giải để họ hàn gắn nhưng bà H vắng mặt nhiều lần, còn ông T vẫn giữ nguyên yêu cầu ly hôn.

Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2022, tòa nhận định rằng bà H cho rằng ông T có người phụ nữ khác nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào và cũng không đưa ra giải pháp cải thiện tình trạng hôn nhân để vợ chồng quay lại cùng chung sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tuy văn bản ngày 5-2-2020 của UBND phường Nguyễn Cư Trinh thể hiện trong thời gian ông bà chung sống tại địa phương, không có mâu thuẫn gì gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, quan hệ gia đình và xã hội không có gì đáng lưu ý nhưng trên thực tế ông bà cùng thừa nhận đã ly thân từ năm 2017. Do đó, mâu thuẫn không thể hàn gắn, tình cảm vợ chồng đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu kéo dài tình trạng hôn nhân này sẽ đau khổ cho cả hai.

Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định cho ông bà ly hôn. Bà H kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

Phúc thẩm: Không ly hôn vì không mâu thuẫn trầm trọng

Tháng 10-2022, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã không chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông T. HĐXX phúc thẩm nhận định căn cứ điểm a.1 Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000) thì tình trạng của vợ chồng được coi là trầm trọng khi vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ và có quan hệ ngoại tình...

HĐXX phúc thẩm cho rằng theo văn bản xác minh ngày 5-2-2020 của UBND phường Nguyễn Cư Trinh (như nêu trên) thì tình trạng hôn nhân giữa ông T và bà H chưa đến mức trầm trọng. Vợ chồng vẫn có thể tiếp tục duy trì đời sống chung, lý do xin ly hôn của ông T là không chính đáng.

Theo HĐXX phúc thẩm, cấp sơ thẩm nhận định ông bà đã sống ly thân, mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, từ đó chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông T là chưa đúng với tinh thần hướng dẫn trên. Từ đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà H, sửa một phần bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông T.

Ông T không đồng tình với phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm. Ông cho rằng chỉ có ông mới biết hôn nhân của ông có hạnh phúc hay không.

“Chúng tôi mâu thuẫn từ lâu nên ly thân nhiều năm nay. Hôn nhân không thể cứu vãn, tôi muốn ly hôn. Thế nhưng không hiểu sao tòa lại căn cứ văn bản của ủy ban phường để cho rằng chúng tôi không có mâu thuẫn gì để bác đơn ly hôn của tôi” - ông T nói.

Đâu phải cứ mâu thuẫn trầm trọng là phải ồn ào cho cả xóm biết

Tình huống này khá phổ biến trong những vụ án ly hôn. Khi một bên vẫn khăng khăng mình đang hạnh phúc, bên còn lại thì cho rằng mâu thuẫn đã thật sự trầm trọng đến mức cuộc sống chung không thể kéo dài thì tòa sẽ yêu cầu xác minh của tổ dân phố, UBND phường để xem có cãi vã, đánh nhau gì không. Tuy nhiên, chỉ người trong cuộc mới biết tình trạng của họ thế nào.

Trong một vụ án ly hôn, một khách hàng của tôi đã nói với tòa rằng mâu thuẫn của họ đã thực sự trầm trọng. Là người trong cuộc nên họ cảm nhận rõ ràng nhất. Họ không cãi nhau, không đánh đập nhưng không có nghĩa là họ êm ấm. Chính họ mới biết mức độ mâu thuẫn trong hôn nhân của họ.

Ngày nay chúng ta gần như đã có cách hành xử thay đổi hơn trong mâu thuẫn vợ chồng. Không hẳn vụ nào “cơm không lành, canh không ngọt” cũng cãi vã, ồn ào đánh đập cho cả xóm biết, hay phải báo lên phường. Họ thường cố gắng xử lý cùng nhau trong nhà, đôi khi còn không nói với nhau lời nào. Và từ đó cuộc sống chung không còn hạnh phúc, không thể hàn gắn; mục đích hôn nhân đã không đạt được. Vậy tại sao lại không cho họ (hoặc một người trong số họ) được ly hôn?

Luật sư ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm