Theo Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên, vì quy định tòa án chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và chỉ được xét xử những tội bằng hoặc nhẹ hơn tội VKS truy tố của BLTTHS hiện hành mà trên thực tế đã xảy ra “nhiều câu chuyện bi hài”.
Mất tính độc lập của tòa
Ông Tuyên lấy ví dụ: VKS truy tố một người về tội cố ý gây thương tích. Qua nghiên cứu hồ sơ, tòa cho rằng đủ yếu tố cấu thành tội giết người nhưng lại không thể xử tội giết người. Thay vào đó, tòa phải trả hồ sơ yêu cầu VKS truy tố tội giết người. Nếu VKS không làm thì tòa vẫn phải xử tội cố ý gây thương tích như VKS truy tố. Sau đó thẩm phán xét xử vụ đó phải kiến nghị trong bản án là xem xét theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm để hủy bản án của chính mình.
“Ở Bắc Giang đã có một vụ như thế. Tòa khẳng định tội giết người nhưng VKS vẫn cương quyết truy tố tội đe dọa giết người nên sau đó tòa phải xử về tội đe dọa giết người rồi kiến nghị. TAND Tối cao sau đó đã kết luận hành vi này là giết người và hủy bản án để điều tra lại. Đến lúc đó VKS mới chịu” - ông Tuyên cho hay.
Nên bỏ quy định tòa không được xử tội nặng hơn VKS truy tố. Trong ảnh: Phiên tòa xử vụ trộm chó làm chết ba người ở Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: XUÂN NGỌC
Từ câu chuyện trên, ông Tuyên cho rằng giới hạn xét xử đã làm mất đi vị thế, làm mất đi tính độc lập của tòa. Tòa đang phải xử một tội mà VKS định sẵn chứ không phải dựa trên diễn biến phiên xử. “Họ định cho mình rồi thì mình không được xử khác. Như vậy có vô lý không? Nên bỏ quy định này đi” - ông Tuyên bức xúc.
Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng quy định hiện hành đang “bó tay” tòa án rất nhiều. “Chúng ta biết bị can, bị cáo phạm tội nặng hơn, có đầy đủ chứng cứ nhưng chúng ta lại không làm gì được. Đề nghị chỉ quy định tòa xét xử những hành vi và con người bị VKS truy tố, còn tòa thấy họ tội gì thì xử họ tội đó. Chứ như hiện nay dân chúng bảo các ông tòa ăn hối lộ hay sao mà tội rành rành ra rồi lại xử nhẹ hơn” - ông Bộ kiến nghị.
Không đủ chứng cứ: Tòa tuyên vô tội
Thẩm phán Phạm Minh Tuyên cũng cho rằng quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung là rất bất hợp lý: “Tôi cho rằng việc này không khác gì việc cả ba cơ quan tố tụng đang vào hùa với nhau để cố buộc tội một con người”.
Theo ông Tuyên, Điều 179 BLTTHS hiện hành quy định một trong những căn cứ trả hồ sơ bổ sung là khi thiếu những chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên tòa. Vậy chứng cứ quan trọng ở đây là gì? Tòa nghiên cứu hồ sơ thấy chứng cứ buộc tội chưa rõ ràng, chưa bảo đảm nên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo quy định, tòa phải chỉ rõ những vấn đề cơ quan điều tra cần phải làm, cần phải điều tra. Như vậy có khác gì cơ quan xét xử chỉ ra “lỗ hổng” để cơ quan điều tra tiếp tục đi tìm chứng cứ buộc tội một người.
“Trong khi đó cơ quan điều tra được “trang bị đầy đủ”, còn người phạm tội thì chẳng có gì. Cái đó có được không? Trách nhiệm của anh là chứng minh tội phạm. Anh không đủ chứng cứ buộc tội thì tòa tuyên không có tội. Có thế thôi, không phải trả đi trả lại. Làm như vậy sẽ rõ ràng và nâng cao được trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên. Quy định như hiện hành, người dân họ bảo các ông thông đồng với nhau, tìm mọi cách buộc người ta vào tù. Nếu không thì vẫn là câu chuyện quyền anh, quyền tôi, sáng mình trả đi, chiều họ trả lại” - ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cũng cho biết vừa qua TAND tỉnh Bắc Ninh đã trả một vụ cho VKSND Tối cao yêu cầu xử lý thêm 23 trường hợp vì cho rằng có bỏ lọt tội phạm. VKSND Tối cao sau đó gửi công văn cho biết nội dung TAND tỉnh Bắc Ninh trả hồ sơ điều tra bổ sung là hoàn toàn có căn cứ, đúng nhưng kết luận cuối cùng vẫn là… “giữ nguyên cáo trạng”.
Thẩm phán không có “cửa sống”? Câu chuyện thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm (chủ tọa phiên phúc thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn) bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được rất nhiều đại biểu nhắc đến như một tai nạn của nghề thẩm phán. “Với những “hồ sơ tròn” như vụ ông Chấn thì thẩm phán nào ngồi xử vụ án đó cũng bị sai lầm thôi chứ không tài giỏi gì cả” - một đại biểu nhìn nhận. Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ bức xúc nói thẩm phán hiện nay không có “cửa sống” và kiến nghị thiết kế trong các dự thảo nội dung quy định thẩm phán không phải chịu trách nhiệm với hành vi có lỗi vô ý. Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm rằng không xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thẩm phán, trừ trường hợp lỗi cố ý. “Quy định này không chỉ giải quyết vấn đề về tư tưởng mà còn khiến các thẩm phán an tâm, không bị rơi vào tình trạng như thẩm phán Chiêm” - ông Hùng nói. Luật hóa quyền im lặng BLTTHS hiện hành không hề quy định về quyền im lặng của bị can, bị cáo. Nó nằm rải rác ở đâu đó như Điều 10 quy định bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Nhưng bị can, bị cáo có hiểu điều đó không? Trên thực tế, trong các bản ghi lời khai đều nói bị can đã được giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 49 nhưng giải thích như thế nào thì không hề có văn bản. Giải thích như thế nào thì chỉ có điều tra viên và bị can biết. Cần đưa quyền im lặng vào BLTTHS để bị can, bị cáo hiểu họ có quyền im lặng và chỉ trả lời khi có luật sư bảo vệ họ. Có như vậy thì việc điều tra mới khách quan, mới tránh được oan sai. Ông PHẠM MINH TUYÊN, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh |