Ngày 24-10, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa các nguyên đơn là bốn chị em bà V và bị đơn là một văn phòng công chứng. Vụ án được đưa ra xét xử do có kháng cáo của bị đơn.
Tách thửa đất không được mới… đi kiện
Theo hồ sơ khởi kiện, phía nguyên đơn trình bày, vào năm 2019 họ có đến văn phòng công chứng để soạn thảo và công chứng, chứng thực hai văn bản gồm văn bản thỏa thuận phân chia tài sản và văn bản thỏa thuận (cũng liên quan đến việc phân chia tài sản nêu trên) giữa các anh chị em của nguyên đơn.
Theo nguyên đơn, việc công chứng các văn bản này là chưa đúng. Từ các văn bản công chứng này, cơ quan chức năng đã cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ông bà (trong đó, một người đứng tên riêng một thửa, ba người là đồng sở hữu một thửa).
Sau đó, ba người đứng tên chung một thửa đất muốn tách thửa riêng từng người. Văn phòng đăng ký đất đai đã căn cứ theo Quyết định số 16/2022 của UBND TP Cần Thơ (quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất) và xác định văn bản thỏa thuận phân chia tài sản mà văn phòng công chứng đã chứng thực không đúng bản chất của giao dịch là thừa kế, vì thế các ông bà không thể thực hiện tách thửa đất riêng từng người.
Từ đó, các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu hai văn bản thỏa thuận nêu trên cùng lập trong năm 2019, được công chứng, chứng thực tại văn phòng công chứng bị đơn.
Ngoài ra nguyên đơn còn yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng tại phiên tòa sơ thẩm đã rút yêu cầu. Đồng thời, các nguyên đơn yêu cầu tòa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ bốn giấy đất đã cấp cho các nguyên đơn.
Phía bị đơn là văn phòng công chứng cho rằng cả hai văn bản được công chứng, chứng thực theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các văn bản này đã hoàn thành, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho những người thỏa thuận phân chia tài sản.
Bị đơn căn cứ theo Khoản 1, Điều 422 BLDS năm 2015 cho rằng các văn bản công chứng, chứng thực nêu trên đã hoàn thành nên việc yêu cầu tuyên vô hiệu và yêu cầu bồi thường là không có căn cứ.
Đáng lẽ phân chia thừa kế lại làm phân chia tài sản chung
Xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều nhận định, các nguyên đơn cho rằng chỉ ký vào các văn bản thỏa thuận được văn phòng công chứng chứng thực mà không xem nội dung là không có cơ sở. Việc văn phòng công chứng không đồng ý hủy hai văn bản thỏa thuận của các nguyên đơn là phù hợp vì các văn bản này đã có hiệu lực pháp luật, thỏa thuận đã hoàn thành, các nguyên đơn đã được cấp giấy đất.
Tuy nhiên, tòa cho rằng mục đích của các nguyên đơn khi ký các văn bản thỏa thuận là nhằm phân chia di sản thừa kế do người mẹ để lại theo quy định pháp luật. Vì thế, các nguyên đơn ký văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung là có sự nhầm lẫn. Từ việc nhầm lẫn trong việc xác lập giao dịch dân sự dẫn đến các nguyên đơn không thể thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế, tách thửa sang tên quyền sử dụng đất do người mẹ để lại.
Khoản 1, Điều 126 BLDS năm 2015, quy định trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu… Tòa sơ thẩm đối chiếu quy định trên cho rằng yêu cầu tuyên bố vô hiệu hai văn bản thỏa thuận của các nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận, do bị nhầm lẫn.
Cũng theo tòa, do văn bản thỏa thuận phân chia tài sản bị vô hiệu nên cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi, hủy bỏ bốn giấy đất đã cấp cho các nguyên đơn. Các nguyên đơn có quyền thỏa thuận lại việc phân chia di sản thừa kế và thực hiện thủ tục phân chia, tách thửa sang tên quyền sử dụng đất do người mẹ để lại theo đúng quy định pháp luật.
Từ đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn, tuyên vô hiệu hai văn bản thỏa thuận và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi, hủy bỏ bốn giấy đất đã cấp cho các nguyên đơn.
Sau đó, phía bị đơn là văn phòng công chứng kháng cáo, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Nguyên đơn thắng kiện vẫn tự nguyện đóng án phí
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24-10, đại diện bị đơn cho rằng không phản đối án sơ thẩm nhưng việc tuyên văn bản công chứng do bị đơn công chứng vô hiệu thì bị đơn phải mất án phí. Cạnh đó, việc nguyên đơn khiếu nại nhiều nơi, kiện văn phòng công chứng ra tòa làm cho bị đơn bị ảnh hưởng uy tín. Đồng thời, bị đơn cũng mong tòa giải thích cho nguyên đơn hiểu bị đơn không có lỗi trong việc này.
Sau đó, HĐXX cũng đã giải thích cho phía nguyên đơn về nguyên nhân khởi kiện vụ án này là do nhầm lẫn, không xác định văn phòng công chứng có lỗi. Đồng thời tòa cũng vận động và được phía nguyên đơn chấp nhận đóng án phí dân sự cho bị đơn cả ở sơ thẩm và phúc thẩm.
HĐXX phúc thẩm nhận định, tòa sơ thẩm xác định giao dịch vô hiệu là có căn cứ. Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên sửa án sơ thẩm, công nhận thỏa thuận của các bên, tuyên bố vô hiệu hai văn bản thỏa thuận do nhầm lẫn; kiến nghị thu hồi, hủy bỏ bốn giấy đất của các nguyên đơn; các nguyên đơn tự nguyện đóng án phí sơ thẩm và phúc thẩm…