Tòa vẫn có thể áp Bộ Luật lao động khi doanh nghiệp 'né' ký hợp đồng

Sáng 12-1, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự, thương mại”.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh việc nhận diện các vấn đề pháp lý trong hợp đồng (HĐ) có yếu tố lao động hiện nay là rất cần thiết, cả khía cạnh lý luận và thực tiễn.

Các diễn giả phát biểu tại điểm cầu trực tuyến. Ảnh: MC

Trình bày tham luận, TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) là quy định tại khoản 1 Điều 13: “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.

Theo bà Diệp, thực tế, có rất nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ “né” việc ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ) để tiết kiệm rất nhiều chi phí cho NSDLĐ như không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), quản lý nhân sự…

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Nguy hiểm hơn, nó còn gây mất an sinh xã hội, tăng gánh nặng ngân sách…

Tuy nhiên, với quy định mới tại khoản 1 Điều 13 BLLĐ 2019, dù không ký kết HĐLĐ mà chỉ thỏa thuận bằng các hình thức khác, nếu có tranh chấp xảy ra, tòa án hoàn toàn có thể xem xét, quyết định thỏa thuận đó chính là HĐLĐ nếu đảm bảo các yếu tố về HĐLĐ theo luật định.

ThS Đặng Thái Bình, giảng viên Khoa luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: MINH VƯƠNG

Tại hội thảo, nhóm tác giả là ThS Đặng Thái Bình và ThS Lê Ngọc Anh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng xuất phát từ bản chất của HĐLĐ và các hợp đồng dân sự có nhiều điểm tương đồng nên thực tế vẫn xảy ra trường hợp các bên không thỏa thuận rõ ràng hợp đồng của mình thuộc sự điều chỉnh của quan hệ nào hoặc cố ý vi phạm, “lách luật” để đạt những lợi ích nhất định.

Theo nhóm tác giả trên, BLLĐ 2019 đã có những quy định mới cơ bản nhằm giúp phân định hai loại quan hệ này.

Tuy nhiên, vẫn cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa để giúp các bên mà quan trọng nhất là NLĐ - bên được xem là yếu thế hơn trong quan hệ lao động để họ có thể tự bảo vệ và đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình nếu có tranh chấp xảy ra.

Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Bình An (Trường ĐH Bình Dương) cho biết nếu như trước đây, hai bên trong quan hệ lao động bắt buộc phải giao kết văn bản có tên là HĐLĐ, thì nay, với quy định tại khoản 1 Điều 13 BLLĐ 2019, dù là loại hợp đồng nào nhưng thỏa mãn đủ ba điều kiện sau thì được xem là HĐLĐ. Cụ thể là: Thỏa thuận về việc làm giữa NSDLĐ và NLĐ; Thể hiện nội dung trả công, trả lương cho việc làm; Thể hiện sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Theo ông An, việc nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động trong doanh nghiệp không chỉ phản ánh một thực tiễn cấp thiết và sinh động từ nền kinh tế đa dạng toàn cầu mà nó đòi hỏi các nhà làm luật cần nhanh chóng đưa ra các chính sách pháp luật bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho tất cả những người đang làm việc dù rằng có hay không có HĐLĐ…

PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: MINH VƯƠNG

Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM nói ngắn gọn: “Không cần phải có văn bản thỏa thuận để xác định có quan hệ lao động hay không. Quan hệ lao động và quan hệ dân sự có những điểm chung nhất định. Sự quản lý, giám sát, điều hành là yếu tố cơ bản, rất quan trọng để xác định đó có phải là HĐLĐ”.

Thẩm phán Châu Kim Anh, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM, cho biết thực tiễn xét xử, việc xác định tranh chấp đó là dân sự hay lao động trong một số vụ án cụ thể cũng có những “băn khoăn” nhất định.

Theo bà Anh, nếu các tranh chấp liên quan đến vấn đề lao động mà BLLĐ không quy định thì có thể áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự, chẳng hạn như việc bồi thường thiệt hại…

Được biết, hội thảo lần này đã nhận được sự quan tâm của nhiều diễn giả, hơn 40 tham luận của các chuyên gia từ nhiều trường đại học và các cơ quan trên cả nước đã gửi về cho ban tổ chức…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm