Đầu năm 2015, bà C. được hai người con ủy quyền cho bà toàn quyền định đoạt mảnh đất hơn 17.000 m2 (có ba căn nhà và nhiều cây trồng trên đất) ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Đất này đã được cấp giấy đỏ cho hộ gia đình bà. Sau đó bà C. bán lô đất trên cho bà M. bằng cách ký một hợp đồng mua bán tay (giá 600 triệu đồng) và một hợp đồng chuyển nhượng đất tại văn phòng công chứng (giá 300 triệu đồng).
Bà M. khởi kiện, yêu cầu bà C. giao đất. Bà C. thì phản tố yêu cầu tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất với lý do đó là hình thức để bà mượn tiền của bà M. Người đang quản lý đất là bà T. và một người liên quan khác cũng đề nghị bác đơn kiện.
Tháng 1-2016, TAND huyện Đồng Phú xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà C. và người liên quan phải chuyển giao đất và các tài sản trên đất cho bà M. Vì thế bà C. và những người liên quan kháng cáo.
VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị hủy án vì vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Cụ thể, cấp sơ thẩm đã xử vượt quá yêu cầu khởi kiện khi tuyên bị đơn và người liên quan phải giao hết các tài sản trên đất, trong khi nguyên đơn không yêu cầu. Tòa giải quyết chưa hết yêu cầu phản tố của bà C. về việc yêu cầu tòa hủy giấy đỏ và không xác định UBND huyện (nơi cấp giấy đỏ) tham gia tố tụng. Tòa bác yêu cầu khởi kiện nhưng không tuyên hợp đồng nào có hiệu lực, hợp đồng nào không (vì có hai hợp đồng)…
Về nội dung, hợp đồng tay mua bán đất giữa bà C. và bà M. không được công chứng, chứng thực và mảnh đất có một phần sở hữu của người liên quan nhưng người này không được tham gia giao dịch cũng không có ủy quyền, chứng tỏ hợp đồng tay này bị vô hiệu.
Với hợp đồng được công chứng thì có nội dung chuyển nhượng đất mà không có nội dung chuyển nhượng tài sản trên đất. Trong khi ba căn nhà và nhiều tài sản gắn liền trên đất là phần không thể tách rời đất nên hợp đồng này cũng bị vô hiệu theo Điều 411 BLDS... VKSND tỉnh phân tích, theo giấy đỏ thì diện tích đất là gần 35.000 m2, hộ bà C. đã chuyển nhượng cho một người khác một phần trước khi giao dịch với bà M. Nhưng hợp đồng công chứng lại ghi bà C. chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất theo sổ. Ngoài ra, giá trị thực của lô đất và tài sản trên đất được định giá là hơn 1,5 tỉ đồng nhưng hợp đồng công chứng chỉ ghi 300 triệu đồng, còn hợp đồng mua bán tay ghi giá 600 triệu đồng là không đúng thực tế.
Tháng 7-2016, TAND tỉnh xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo và kháng nghị, tuyên hủy toàn bộ bản án để xử lại. Một năm sau, TAND huyện xử sơ thẩm lần hai và vẫn tuyên án y như lần thứ nhất nên bị đơn và một người liên quan là bà T. lại kháng cáo. Lần này VKSND tỉnh cũng kháng nghị bản án nhưng không liên quan đến nội dung mà chỉ có ý kiến về phần án phí. Đặc biệt tại phiên tòa phúc thẩm lần hai vào tháng 10-2017, đại diện VKSND tỉnh tại tòa lại đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trong khi kháng nghị lần một cơ quan này phân tích rõ là không thể công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất. Theo kiểm sát viên, hợp đồng có công chứng là đúng vì việc chuyển nhượng tài sản trên đất hai bên có thể có thỏa thuận khác. Cuối cùng TAND tỉnh tuyên chấp nhận kháng nghị sửa phần án phí, về nội dung thì bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Mới đây bà C. và bà T. có đơn khiếu nại giám đốc thẩm, đề nghị hủy hai bản án để xét xử lại từ đầu vì cho rằng vi phạm nghiêm trọng khi công nhận hai hợp đồng nêu trên.