Toan tính của Trung Quốc khi gặp riêng từng ngoại trưởng ASEAN

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang tổ chức các cuộc đàm phán riêng trong tuần này với các ngoại trưởng của bốn quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về cuộc chính biến ở Myanmar.

Tờ South China Morning Post ngày 2-4 đã đăng tải phân tích của các chuyên gia để giải thích về lý do Trung Quốc có cuộc họp riêng với từng ngoại trưởng thay vì gặp mặt tất cả các ngoại trưởng.

Ông Vivian Balakrishnan (trái) và ông Vương Nghị. Ảnh: WANG WENBIN

Ông Song Qingrun, phó giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh nói với kênh CGTN rằng Trung Quốc có kế hoạch làm việc với ASEAN để duy trì sự ổn định ở Biển Đông và giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishna là người đầu tiên gặp ông Vương ở tỉnh Phúc Kiến ngày 2-4. Tiếp theo là Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 3-4, bà Retno Marsudi - Ngoại trưởng Indonesia và ông Teddy Locsin Jnr của Philippines vào ngày 4-4, theo các nguồn tin.

Tuân thủ nguyên tắc của ASEAN

Không quốc gia Đông Nam Á nào công khai rằng Myanmar sẽ nằm trong số các chủ đề được thảo luận với ông Vương. Tuy nhiên, mối quan tâm của quốc tế về hành động của quân đội đang gia tăng.

Bộ Ngoại giao Singapore đã đưa ra một tuyên bố vào đầu ngày 1-4 nói rằng ông Balakrishnan và Vương đã thảo luận về tình hình  ở Myanmar và báo động về việc quân đội Myanmar tiếp tục sử dụng vũ lực sát thương.

"Các bộ trưởng kêu gọi giảm leo thang tình hình, ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên" - tuyên bố cho biết.

Tuy nhiên, dù ASEAN là diễn đàn đa quốc gia quan trọng của khu vực, tổ chức này lại có nguyên tắc không can thiệp và các quyết định của Hiệp hội cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên, bao gồm cả Myanmar.

Tương tự, nó sẽ đi ngược lại chính sách của khối khi các nước tiến hành các cuộc họp mà không có sự hiện diện của chủ tịch ASEAN - hiện tại là Brunei - hoặc tất cả các thành viên. Chính vì thế, các cuộc họp ở Phúc Kiến cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN đều lưu tâm đến các quy tắc này.

Toan tính khác của Trung Quốc

Trong khi đó, ông René Pattiradjawane một nhà nghiên cứu quan hệ Indonesia-Trung Quốc, cho biết hiếm khi các cuộc thảo luận riêng biệt được tiến hành nếu tất cả các nhà lãnh đạo đều họp ở cùng một địa điểm.

Nhắc lại việc các cuộc họp được tổ chức ngay sau cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc ở Alaska, ông Pattiradjawane cho rằng đây có thể là cách Trung Quốc tiếp cận ASEAN về vấn đề cạnh tranh quyền lực lớn và sự kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng bằng cách mời bốn bộ trưởng ASEAN - những nước không có biên giới với Myanmar, Trung Quốc cho thấy họ hy vọng xây dựng một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng mà không có sự can thiệp từ các cường quốc trong khu vực. Ông nói: "Đây sẽ là một vấn đề cấp bách để tìm ra các giải pháp hòa bình trước khi tình hình ở Myanmar vượt quá tầm kiểm soát".

Ông Dylan Loh, một trợ lý giáo sư về chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nanyang, gợi ý rằng các cuộc gặp 1-1 có thể sẽ bao gồm các vấn đề khu vực cũng như song phương.

"Các cuộc họp có thể không nhất thiết phải diễn ra trong khuôn khổ một sự kiện chính thức của ASEAN, [nhưng] Trung Quốc rõ ràng có suy nghĩ về ASEAN" - ông nói, đồng thời lưu ý cách tiếp cận của Bắc Kinh là không chỉ thu hút sự tham gia của cả khối mà còn cả các thành viên riêng lẻ.

"Những chuyến thăm này là một tín hiệu ngoại giao quan trọng, cả đối nội và đối ngoại, bởi vì Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ có sự ủng hộ, hữu nghị và hậu thuẫn của nhiều quốc gia - điều này rất có ý nghĩa khi Trung Quốc đang chịu áp lực ngoại giao ngày càng tăng từ phương Tây" - ông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm