Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ: Khu công nghệ cao luôn thu hút được các tập đoàn lớn trên thế giới nhưng yêu cầu của họ là phải có môi trường kinh doanh minh bạch, có cơ chế phòng ngừa rủi ro tham nhũng.
“Trong khi đó, có những DN rất muốn được coi là “công nghệ cao” để vào khu này và họ sẵn sàng có chi phí để được đánh giá là “đủ tiêu chí” để được vào. Thực tế, “văn hóa hoa hồng”, chi phí bôi trơn vẫn còn tồn tại, làm cho DN yếu đi, bào mòn chi phí và bào mòn cả con người” - bà Loan nói.
Đại diện một DN khác nhận định rằng với “rừng văn bản quy định phức tạp, chồng chéo hiện nay, người thừa hành công vụ vận dụng kiểu nào cũng được nên gây khó cho DN. “Tôi chấp nhận đưa 500.000 đồng cho xong việc” - ông nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI, không đồng ý với việc “đưa 500.000 đồng cho xong” bởi hành động như thế là DN đã tiếp tay cho tham nhũng. Ông Vinh đề nghị DN hãy có ứng xử đúng.
“Một DN lên tiếng thì lẻ loi nhưng khi các DN cùng lên tiếng trong một liên minh sẽ tạo được sức mạnh tập thể, sẽ có được sự đồng thuận của xã hội, sẽ tạo thêm một sức ép chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi tham nhũng, xây dựng môi trường liêm chính, minh bạch” - ông Vinh nói.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đồng tình và cho rằng những hành động đơn lẻ sẽ không dập tắt được tham nhũng. Cần có hành động tập thể. “Ở Đan Mạch, tinh thần chống tham nhũng được người dân phát huy hằng ngày, đến mức chống tham nhũng trở thành văn hóa” - bà Charlotte Laursen chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành CENSOGOR, nhận định: DN đóng vai trò “mắt xích kép”, vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Bởi theo số liệu PCI 2016, 66% DN đã trả chi phí, 59% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan.
“Hình ảnh lãnh đạo DN đang bị đi xuống trong con mắt người dân Việt Nam. 38% người dân Việt Nam đánh giá các lãnh đạo DN là một trong tốp 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhất” - bà Viễn nói.