Hồi tôi còn học lớp 9, nhiều đêm đã 9-10 giờ khuya tôi vẫn theo chân mẹ đi tìm bố khắp nơi. Bố tôi thích đánh bài ăn tiền mặc dù ông chưa từng có nhiều tiền, mỗi ván bài cũng chỉ 500- 1.000 đồng. Trước lúc đi đánh bài, ông thường vò ít lá chuối khô đút vào túi quần cho căng lên để được mấy ông hàng xóm cho nhập cuộc.
Có hôm đi tìm bố, thấy bố vừa uống rượu vừa đánh bài, tôi ụp vào giữa chiếu xé nát từng quân bài. Mấy ông hàng xóm mắt chữ O, miệng chữ A bảo tôi là đứa hỗn, thiếu giáo dục. Tôi khóc và nói: "Nếu bố không bỏ đánh bài để làm gương cho tụi con thì từ nay bố bảo gì con cũng không nghe".
Bị mất mặt giữa đám bạn, bố giận dữ lôi tôi về. Tôi nghĩ hôm đó sẽ được ăn một trận đòn nhừ tử nhưng không hiểu sao về nhà chẳng thấy bố nạt nộ hay đánh đập gì cả.
Có lần tan học, tôi theo nhóm bạn đi chơi lễ Noel tới sáng hôm sau mới về mà quên xin phép. Về tới nhà, thấy bố soạn ra một đống sách vở và tuyên bố sẽ đốt hết, từ nay không cho tôi học hành gì nữa. Thấy ông nói hùng hổ lắm nhưng tôi đi vài vòng mà không thấy ông bật lửa gì cả, thế rồi sau đó ông bỏ đi đâu mất. Trưa ấy tôi mới bị ăn đòn nhưng lại là trận đòn của mẹ.
Khi tôi lớn thêm chút nữa, bố mẹ phải cùng lúc nuôi ba đứa con ăn học, cảnh nhà thêm khó khăn hơn. Bố mẹ thường xuyên to tiếng vì chuyện cơm áo, gạo tiền, vì thiếu tiền đóng học phí, tiền xây dựng, quỹ lớp... cho các con.
Bố tôi hay uống rượu, mỗi khi uống vào là ông thích nói, nói dai, nói dài. Nhiều hôm uống rượu xong ông kiếm chuyện gây sự với hàng xóm. Bởi vậy bốn bên láng giềng chẳng còn ai muốn đi lại với nhà tôi nữa bởi nhà tôi có người đàn ông tính hơn cả đàn bà. Không chỉ hàng xóm, mà mỗi khi anh em, gia đình có cái đám giỗ hay cưới hỏi là y như rằng có to tiếng… tất cả là vì chén rượu và những người bố giống như bố tôi.
Có lần em trai tôi đi chơi với đám thanh niên choai choai trong làng và đánh nhau với đám trai làng bên làm họ nhập viện. Bố tôi chỉ biết uống rượu vào rồi khóc kêu trời, than khổ… rồi trùm chăn chán nản. Mẹ và mấy chị em tôi phải thay nhau lên bệnh viện chăm từng bữa cơm cho người ta, chạy vạy lo tiền, đến từng nhà bị nạn để van xin cho em tôi khỏi bị tù.
Tuổi thơ tôi đã sống những chuỗi ngày trong nước mắt, đầy ám ảnh và thất vọng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì có một người bố như bố tôi. Tôi ghét bố vì bố không giống như những người cha, người chồng, một người đàn ông mà tôi đã từng hy vọng và tưởng tượng.
Lớn lên, tôi quyết tâm vào đại học để được sống xa nhà. Tốt nghiệp, tôi tìm được một công việc vừa ý, có một gia đình nhỏ và sống bình yêu ở một nơi xa. Đã có lúc tôi chẳng cần, chẳng phải nhớ về một ông bố như vậy… Và rồi chiều nay, tôi nhận được tin bố bị tai nạn.
Tôi gặp lại bố khi ông đang nằm trong bệnh viện, băng quấn đầy mình chỉ còn sót lại gương mặt khắc khổ dính đầy máu. Lúc ấy, tôi không gọi nổi từ "Bố", mọi thứ vỡ òa... vỡ òa bằng những ký ức thật lạ mà cũng thật quen.
Đó là một ông bố hiền lành, đang cẩn thận bọc từng bìa sách, nắn nót từng nét, từng nét chữ, trang trí từng cái nhãn vở cho tôi… Ông đã làm công việc đó đều đặn cho ba chị em tôi suốt 12 năm học. Nhiều đêm, bố nằm kể chuyện cổ tích cho tụi tôi nghe, mấy bố con cười rôm rả lắm, thế rồi ba chị em lăn ra ngủ lúc nào không hay. Rồi có thật nhiều bài báo tường bố làm cho tụi tôi, lúc nào cũng được đăng trên trang nhất của tờ báo trên trường có bút danh Hoài Thu.
Hay như hồi lớp 7, khi tôi thút thít khóc sau nhà vì bị mẹ cho một trận roi bởi tội đua đòi bắt mẹ cho tiền để tổ chức sinh nhật như mấy đứa bạn con nhà có điều kiện. Từ phía sau, bàn tay ấm áp của bố nhẹ nhàng xoa tóc rồi dúi vào tay tôi 10.000 đồng, bảo tôi thích mua gì thì mua kèm theo lời dặn: "Đừng có dại mà nói với mẹ mày".
Ký ức ấy có cả một buổi sáng tôi còn học lớp 12, trời âm u, bố cài cho tôi cái áo mưa vào xe và bảo tôi mang theo. Tôi lẳng lặng quăng nó vào xó nhà bởi nó vừa xấu, vừa cũ, vừa bẩn lại rách nhiều chỗ. Trưa tan trường, trời mưa như xối, mọi người đều có áo mưa để đi. Tôi để đầu trần, dắt xe qua cổng. Bố tôi đứng đó, lặng lẽ bên lề đường, đang run run vì ướt, mang chiếc áo mưa hồi sáng. Thấy tôi, ông vui lắm và đưa cho tôi chiếc áo mưa mới mua. Mặc dù đã ướt nhưng tôi vẫn vui vẻ mặc áo mưa của bố vì nó còn mới và cái chính là tôi cũng muốn khoe với cả trường rằng tôi được bố quan tâm đưa áo mưa tới tận trường.
Nhìn bố, tôi tự hỏi tại sao bao nhiêu năm qua những ký ức này không hiện hữu trước mặt tôi? Trong vòng tay bố, tôi luôn được bố yêu thương, vậy mà tôi đã làm gì? Tôi cảm thấy như tôi chính là thủ phạm đã đẩy bố tôi vào tình trạng bất động, đầy tổn thương và đau đớn thế kia.
Bố ơi…! Bố…. Bố tỉnh lại và tha thứ cho con bố ơi! Từ bé tới giờ con chưa từng biết nói lời xin lỗi bố… mà chỉ biết chê trách, đòi hỏi bố thôi! Con không mong được bố thứ tha vì con chẳng thể xứng nhưng chỉ mong bố tỉnh lại… để con có cơ hội vá lại những ký ức, những vết thương lòng trong bố về con.
Chẳng ai trong đời có quyền chọn bố mẹ, chọn gia cảnh cho mình. Con người sinh ra cũng chẳng ai là hoàn thiện. Nhưng có một điều mà ai cũng nên biết, đó là bố mẹ luôn luôn yêu thương, bao bọc, luôn muốn dành những gì tốt nhất cho ta. Sống đến tuổi này tôi mới nhận ra được điều đó cũng là nhờ bố mẹ đã cho tôi ăn học.
Trên đây là câu chuyện về những ký ức của tôi về bố. Cũng vì tai nạn giao thông vào năm 2012 mà bố tôi giờ là một người tàn tật. Nhưng tôi vẫn vui vì bố còn được sống để tôi còn có cơ hội bù đắp cho ông.
Đối với bố mẹ, sự hiếu thảo của con cái lớn nhất chính là tấm lòng, sự chân thành. Là những chăm sóc, chia sẻ lúc họ trái gió trở trời, hay đôi lúc là sự nũng nịu, đòi hỏi vô điều kiện với những đứa con của họ... Bố mẹ cũng đã lớn tuổi, không còn nhiều sức khỏe lao động để tự nuôi bản thân, do đó việc hỗ trợ tài chính cũng là một cách rất tốt để bố mẹ bớt vất vả trong những năm tháng cuối đời.