Tôi tự hỏi sao gia đình ông lại gặp nhiều bi kịch đến thế. Hết chuyện này đến chuyện khác ập đến. Cô con gái thì bị người ta hãm hiếp đến có bầu khi chưa đủ 13 tuổi. Người cha thì bị xe tông bị thương. Cậu con trai thì bị người ta đổ nước sôi lên người bỏng đến hơn 40%. Là nạn nhân nhưng không được pháp luật bảo vệ, gia đình ông Th. chỉ còn biết gọi cho tôi, một luật sư từng giúp ông trước đó, để cầu cứu.
Một lần, con gái ông Th. sang nhà hàng xóm mượn cây kéo cho cha thì bị cậu con trai hàng xóm dụ vào buồng khống chế hiếp dâm. Cô bé chẳng dám kể chuyện này với ai vì sợ sẽ bị giết và sợ xấu hổ. Nắm được điểm yếu này, cậu con trai hàng xóm nhiều lần khống chế cô bé để thỏa mãn thú tính. Cho đến khi con gái ông Th. mang bầu thì mọi chuyện mới vỡ lở. Dù khi bị hiếp, cô bé chưa đủ 13 tuổi nhưng cơ quan công an không điều tra, không khởi tố vụ án. Nhiều lần gia đình ông Th. làm đơn tố cáo cũng không được xem xét. Không có tiền thuê luật sư, ông Th. phải gọi lên tổng đài 1088 nhờ tư vấn.
Tiếp nhận cuộc gọi, tôi hướng dẫn ông Th. tiếp tục làm đơn tố cáo. “Tôi làm nhiều lần rồi mà cơ quan điều tra họ không làm, luật sư ơi! Gia đình tôi nghèo quá, không có tiền mà thuê luật sư” - giọng nói ông Th. qua điện thoại khiến người nghe cảm nhận rõ sự tuyệt vọng. Sau đó tôi đã xuống Tiền Giang giúp ông Th. làm đơn tố cáo. Vụ án sau đó được khởi tố. Nhưng rồi cơ quan điều tra dựa vào kết quả giám định cho rằng nghi can bị bệnh tâm thần nên đã đình chỉ điều tra.
Tôi làm đơn yêu cầu cơ quan tố tụng đưa nghi can đi giám định tâm thần lại. Lần này kết quả cho thấy nghi can hoàn toàn bình thường. Vụ án lại được phục hồi điều tra, sau đó tòa đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo ba năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Tòa buộc bị cáo bồi thường hơn 30 triệu đồng cho người bị hại.
Không lâu sau, ông Th. lại gọi điện thoại:“Hiểu được nỗi đau của họ khi có con bị đi tù, tôi đã nghe lời luật sư làm đơn xin giảm án cho bị cáo. Trước tòa, họ hứa sẽ nhanh chóng bồi thường, thế mà giờ lại lật lọng, đổ lỗi cho con tôi và không chịu bồi thường”. Tôi giúp ông Th. làm đơn kháng cáo. Lần này tòa phúc thẩm xử tăng án bị cáo lên bảy năm tù…
Vài tháng sau, tôi lại nghe điện thoại của ông Th. Giọng ông hốt hoảng: “Luật sư ơi, giúp tôi với! Đứa con trai tôi bị bỏng nặng, hơn 40% lận! Gia đình tôi không có tiền cho cháu điều trị…”. “Sao lại bị bỏng?” - tôi hỏi. “Nó đi làm công nhân trên Sài Gòn bị người ta tạt nước sôi nhưng công an không khởi tố vụ án” - ông Th. nói.
Tôi lại giúp ông Th. làm các thủ tục pháp lý. Đến gặp gia đình bị cáo, nhìn con bị cáo chừng ba tuổi bưng bát cơm chan nước mắm ăn, tôi lại chạnh lòng. Tôi nghĩ trường hợp này cần thương lượng để bị cáo không phải đi tù đặng ở nhà lo cho gia đình vì hoàn cảnh của anh ta cũng đáng thương, bi đát không kém. Nhưng con trai ông Th. không đồng ý. Anh ta nói: “Cả mấy tháng nay tôi phải ở nhà điều trị, mất việc làm, không có thu nhập. Tiền chữa trị không có, tôi phải ở nhà cắn răng chịu đau”.
“Cả hai gia đình đều nghèo. Anh và bị cáo đều từ quê lên thành phố làm công nhân kiếm tiền nuôi gia đình. Chuyện xảy ra cũng do lỗi của anh, vì anh đánh người ta trước. Giờ anh không có tiền chữa bệnh, bên kia họ đi tù rồi thì lấy đâu tiền bồi thường? Tha thứ cho người ta thì mọi chuyện sẽ êm. Anh được nhận tiền bồi thường, còn người ta ở nhà đi làm kiếm tiền nuôi con và mẹ già. Như thế có phải tốt hơn không” - tôi phân tích.
Nghe xong, con trai ông Th. đồng ý. Các chú, các bác, dì, cậu… của bị cáo đã quyên góp mỗi người một ít đưa cho bị cáo đi bồi thường, xin lỗi gia đình nạn nhân. Nhận được hơn 60 triệu đồng tiền bồi thường, con trai ông Th. đã điều trị lành vết thương. Sau đó TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã tuyên xử bị cáo hai năm tù treo do có đơn bãi nại của người bị hại và nhiều tình tiết giảm nhẹ khác.
Được một thời gian, tôi lại nhận điện thoại của con trai ông Th.: “Luật sư ơi, ba tôi bị xe đụng mà không nhận được bồi thường gì cả”. Nghe xong, tôi lại một mình chạy xe xuống nhà ông Th. hỏi thăm và giúp ông làm những thủ tục pháp lý. Lần này tôi cũng giúp hai bên tự hòa giải, sau đó ông Th. đã nhận được tiền bồi thường để đi chữa bệnh.
Luật sư LÂM QUANG QUÝ (Đoàn Luật sư TP.HCM)