Cuộc tiếp xúc diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII kết thúc và trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 21-5).
“Quan không chịu rèn mình nhưng vẫn rao giảng đạo lý”
Là người phát biểu đầu tiên, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) bày tỏ: Người dân nức lòng khi nghe Tổng Bí thư nói “Ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm”. Lời nói đó đi liền với quyết tâm của Tổng Bí thư nên mới đưa ra xử lý hàng loạt vụ án lớn, xử lý kỷ luật nhiều “quan cỡ bự”. Tuy nhiên, cử tri cũng thắc mắc có những người sai từ những năm 2009-2010, có vụ từ năm 2003 như vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh nhưng đến nay mới bị xử lý, không rõ nguyên nhân vì sao.
“Nhiều người vi phạm nghiêm trọng nhưng vẫn thăng tiến, như ông Đinh La Thăng hay vài vị tướng công an. Vậy phải chăng do kiểm tra, thanh tra buông lỏng và liệu có người chống lưng cho họ không?” - ông Hoàn băn khoăn.
Cử tri Hoàn cho rằng: “Điều đó chứng tỏ tham nhũng leo thang đến bậc cao. Quan không chịu rèn mình, không chịu học hỏi nhưng vẫn lớn tiếng rao giảng đạo lý. Họ ra sức vơ vét tiền của dân, của nước làm giàu cho mình và gia đình, tàn phá ghê gớm đất nước”.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh lại cho rằng chống tham nhũng, chống tha hóa biến chất, trung ương làm rất mạnh, lò cháy đùng đùng, người dân cả nước đều biết nhưng các địa phương im ắng quá. “Trung ương đặt nhiều câu hỏi như “Ai chạy, chạy ai?”. Trước tình hình hiện nay, tôi thêm một câu hỏi: “Vì sao có hiện tượng trên nóng dưới lạnh và làm thế nào để chuyển lửa về địa phương?”” - cử tri Thịnh đặt vấn đề.
Cử tri Hà Nội chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc sáng 13-5. Ảnh: CTV
“Lò nóng rực lên rồi nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó đã cảm ơn cử tri đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Tổng Bí thư cho hay lần tiếp xúc cử tri nào, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng rất được quan tâm, càng chứng tỏ vấn đề này hết sức quan trọng.
“Vừa qua chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Nếu không có sự ủng hộ của các cử tri, của toàn thể nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công được” - Tổng Bí thư nói.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta không chỉ “chống” mà cơ bản, lâu dài và cái chính là phải “xây” để ngăn ngừa, răn đe và nếu đừng xảy ra là tốt nhất.
“Chống là cấp bách và làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống. Nhưng xây để cho lâu dài. Như tôi đã từng cảnh báo, ai đã nhúng chàm thì tự gột rửa đi” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không phải xử nặng đã là tốt mà quan trọng là người bị xử phải nhìn thấy sai lầm, khuyết điểm của mình, cũng như phải thu hồi được tài sản tham nhũng thì mới được lòng dân.
“Chống tham nhũng là phải vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn. Phải mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta, đánh cho một đòn chết tươi. Lò nóng, thậm chí nóng rực lên rồi nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Phải kiên trì, quyết tâm chứ không bỏ dở giữa chừng, phải làm quyết liệt, đến cùng nhưng phải có cách làm” - Tổng Bí thư phân tích.
“Như lần trước tiếp xúc cử tri, các bác nói xử lý Đinh La Thăng cảnh cáo, cho thôi ủy viên Bộ Chính trị là nhẹ quá. Tôi nói là vẫn còn đang làm. Bây giờ xử 30 năm tù và khai trừ ra khỏi Đảng, như vậy đã được chưa? Trong lịch sử chưa bao giờ một ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý như vậy. Chúng ta cứ làm từng bước chắc chắn” - Tổng Bí thư khẳng định.