Tại buổi tiếp xúc cử tri, cử tri Đặng Đức Quy băn khoăn, căn bệnh tham nhũng, thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên không phải đến bây giờ mới phát hiện mà đã được đảng cảnh báo từ rất sớm nhưng tại sao lại để kéo dài như vậy? “Nếu ngăn chặn từ sớm, từ xa, tìm ra được liều thuốc chữa trị hiệu nghiệm thì chắc chắn không để xảy ra tình trạng như hiện nay” - ông Quy nói.
Lương 12 triệu nhưng không thấy Bộ trưởng nào nghèo
Theo ông Quy, việc phanh phui một số vụ án nghiêm trọng vừa qua chứng tỏ chúng ta đang có lỗ hổng nghiêm trọng về công tác quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực. Nếu không có lỗ hổng thì tại sao một con người như Trịnh Xuân Thanh lại lọt qua nhiều cửa để ngồi vào vị trí phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội và còn có thể leo cao hơn nữa nếu vụ việc không bị phát hiện.
Hay mới đây, một số tướng lĩnh của Bộ Công an vừa bị khởi tố và bắt tạm giam đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng ngay cả ở nơi cao nhất kiểm soát tội phạm quốc gia, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu cũng khó tránh khỏi sự tha hóa quyền lực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri chiều 13-5
“Điều nguy hiểm là người đứng đầu cơ quan CSĐT quốc gia lại là người bảo kê cho tội phạm. Người đại diện cho công lý lại bị cám dỗ bởi những vật chất thì hỏi rằng có giữ được cán cân công lý hay không, nhân dân biết tin vào đâu?” - ông Quy bức xúc nói.
Theo ông Quy, dư luận luôn đặt câu hỏi phải chăng chúng ta buông lỏng, hoặc thiếu quyết tâm không tìm ra được các cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực.
“Phân tích sự giàu lên nhanh chóng của các tỉ phú đôla Việt Nam những năm gần đây cho thấy phần lớn trong số họ đều phất lên không phải ở lĩnh vực sản xuất vật chất mà chủ yếu nhờ kinh doanh bất động sản. Như vậy phải chăng có những kẽ hở trong cơ chế chính sách mà nhà đầu tư lợi dụng, câu kết với quan chức nhà nước tạo nên cơ hội làm giàu nhanh chóng. Một trong những thất thoát lớn nhất vừa qua là thất thoát tài nguyên đất đai” - ông Quy hỏi.
Cử tri Nguyễn Vương Khánh cũng cho rằng Đảng và Nhà nước cần quyết liệt loại bỏ tệ nạn tham nhũng, muốn vậy cần quản lý tốt cán bộ tự địa phương đến trung ương, cần minh bạch thu, tại sao anh mua được xe sang, biệt thự, cho con cái đi học nước ngoài. Sự giàu có do vợ con anh kinh doanh đúng pháp luật hay chỉ là nơi kinh doanh rửa tiền?
“Một bộ trưởng nói trên báo chí, Bộ trưởng lương có 12 triệu thì làm sao đủ sống. Nhưng chẳng thấy vị Bộ trưởng nào bị nghèo túng” – ông Khánh nói.
Tổng Bí thư: “Còn nhiều việc phải làm”
“Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm nên rất khó khăn, phức tạp” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và nhận xét, “trước có câu nói rằng "trên nóng, dưới lạnh", giờ thì "dưới cũng đã bắt đầu nóng lên nhưng ở giữa thì còn lạnh”.
Theo Tổng Bí thư, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu, thời chiến cũng đã làm, thời bình cũng làm, chỉ có điều mức độ khác nhau và cũng đã đạt được những kết quả. Thực tế hơn chục năm trước cũng đã từng có Bộ trưởng bị xử lý, kỷ luật.
"Trước đây chúng ta cũng đã làm nhưng chưa thành phong trào hoặc chưa công khai ra chứ không phải không làm. Còn giờ đã thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể cưỡng được, cũng không ai có thể đứng ngoài cuộc" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ với một số cử tri rằng có những ý kiến lo lắng, băn khoăn rằng chống tham nhũng, xử lý cán bộ như vừa qua làm mất uy tín của cán bộ, đảng viên. Song theo ông, bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng...
“Chúng tôi đã nói nhiều lần, chúng ta che giấu, bưng bít đi thì mới mất uy tín và càng làm hư hỏng. Còn chúng ta đấu tranh cho bằng được thì lại làm củng cố, lấy lại uy tín. Thực tế, không phải tất cả tham nhũng đâu. Chúng ta có năm triệu đảng viên nhưng chỉ một số nào thôi, chỉ là con sâu làm rầu nồi canh...” - Tổng Bí thư khẳng định.
Cũng theo Tổng Bí thư, việc xử lý cán bộ phải làm một cách chắc chắn, cẩn thận, từng bước, chặt chẽ, tâm phục, khẩu phục nhưng phải nhân văn. “Như lúc đầu, Trịnh Xuân Thanh chỉ có chuyện xe biển xanh, biển trắng thôi, rồi giờ làm rõ ra, lĩnh hai án chung thân. Không phải chúng ta không làm hay nương nhẹ...” - Tổng Bí thư nói và khẳng định còn rất nhiều vụ việc phải làm, theo chương trình kế hoạch cả rồi và phải làm từng bước cho chắc chắn, làm để củng cố niềm tin, làm để giữ ổn định.
“Còn nội bộ lục đục với nhau, bên ngoài sẽ nói phe nọ đánh phe kia như đang nói là đánh chính trị chứ không phải chống tham nhũng” - Tổng Bí thư nói đồng thời nhấn mạnh: “Các bác thấy, các bị cáo ra trước tòa, xử án như thế nhưng lại cảm ơn Tổng Bí thư, xin lỗi Tổng Bí thư. Chúng ta chỉ mong như thế. Tổng Bí thư đề nghị các cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp tục ủng hộ, đồng hành trong cuộc chiến chống tham nhũng này”.