Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lý luận xuất sắc với nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lý luận xuất sắc với nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển

(PLO)- PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhìn nhận: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra để làm lý luận và ông là nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta, với nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. 

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc, tài ba của Đảng ta” - PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về vai trò của Tổng Bí thư trong xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng 3 khóa (XI, XII, XIII).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo tài ba
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Nhà lý luận xuất sắc

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Đại hội XI là một trong những đại hội quan trọng, có nhiệm vụ thông qua Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm.

Với tư cách Tổ trưởng Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội), đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các thành viên tiểu ban chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng Cương lĩnh và được Đại hội thông qua.

Nếu Cương lĩnh 1991 phác họa 6 đặc trưng và 7 phương hướng đi lên CNXH ở nước ta thì Cương lĩnh năm 2011 đã phát triển thành 8 đặc trưng, hoàn thiện 8 phương hướng và lần đầu tiên đưa ra 8 mối quan hệ lớn.

“Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có nhiều điểm mới. Ở góc độ lý luận, “8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ’ có dấu ấn rất lớn của ông Nguyễn Phú Trọng” - ông Nguyễn Viết Thông nói.

Cũng tại Đại hội XI, Tổng Bí thư còn để lại dấu ấn trong việc làm rõ hơn vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam. Theo đó, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, quý giá, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nước ta giành thắng lợi.

PGS-TS-Nguyen-Viet-Thong1.jpg
PGS.TS Nguyễn Viết Thông. Ảnh: ĐỨC MINH

Sau Đại hội XI, thể chế hóa Cương lĩnh, với tư cách Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 để sửa đổi thành Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 có những dấu ấn rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể, ở nguyên tắc “vì Nhân dân”, Hiến pháp 2013 dành toàn bộ Chương 2 với hơn 30 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Bản Hiến pháp này cũng làm rõ hơn về “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”…

Khóa XI, Hội nghị Trung ương quyết định thành lập các tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương tín nhiệm cử làm trưởng 2 tiểu ban Văn kiện và Nhân sự.

Ông Nguyễn Viết Thông nhớ lại, với trọng trách Trưởng Tiểu ban Văn kiện, làm việc với Tổ Biên tập, Tổng Bí thư nhiều lần lưu ý “viết văn kiện phải ở tầm văn kiện chứ không phải là một báo cáo thông thường”.

“Tổng Bí thư nói cái gì đã chín, đã rõ thì chúng ta khẳng định trong văn kiện. Cái gì chưa chín, chưa rõ thì làm thí điểm chứ không nên vội đưa vào văn kiện, không nên quá cầu toàn” - theo ông Nguyễn Viết Thông.

“Tổng Bí thư nói cái gì đã chín, đã rõ thì chúng ta khẳng định trong văn kiện. Cái gì chưa chín, chưa rõ thì làm thí điểm chứ không nên vội đưa vào văn kiện, không nên quá cầu toàn”.

Văn kiện trình Đại hội XII được đánh giá có nhiều điểm mới so với các văn kiện trước đó. Về kinh tế, nếu Đại hội XI lần đầu tiên khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Đại hội XII đã nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế như thế nào.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều ý tưởng mới trong lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN...”- ông Nguyễn Viết Thông nhận xét.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-ly-luan-xuat-sac-nha-lanh-dao-tai-ba.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội XII đã nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra để làm lý luận và lý luận tập trung vào xây dựng Đảng” - PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhận định.

Ông Thông phân tích, tại Đại hội XII, Tổng Bí thư đã xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đại hội XIII đã tách “tổ chức” thành mặt thứ 5 là “cán bộ”; Tổng Bí thư nêu rõ phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả 5 mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Một dấu ấn nữa của Tổng Bí thư trong văn kiện Đại hội XIII là xác định mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN. Đồng thời đưa ra đánh giá thành tựu công cuộc đổi mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày này”.

Đặc biệt, lần đầu tiên có mục quan điểm chỉ đạo và 5 quan điểm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ví dụ quan điểm 4 về “kiên định”: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đây là quan điểm có tính nguyên tắc, rất quan trọng, chỉ đạo đổi mới để đất nước đi lên, không “đổi màu” nhưng cũng không cứng nhắc. “Nhiều lần, Tổng Bí thư nói rằng để phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nghiên cứu cả kinh nghiệm của thế giới, chứ không nên đóng khuôn trong điều kiện Việt Nam” - ông nói.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-sach-chu-nghia-xa-hoi.jpeg
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của Tổng Bí thư. Ảnh: TTXVN

Nhà lãnh đạo tài ba

Tháng 10-2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Trưởng hai tiểu ban Văn kiện và Nhân sự.

Đề cương chi tiết dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5-2024). Trong đó, dự thảo báo cáo chính trị Trung ương cho ý kiến đề cương chi tiết đã có những điểm mới so với Đại hội XIII.

Theo ông Nguyễn Viết Thông, dự thảo về chủ đề Đại hội XIV nêu 4 thành tố, trong số này có 2 thành tố mang dấu ấn rất rõ của Tổng Bí thư. “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”. Thành tố này, Tổng Bí thư đã viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng.

Thành tố “đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên CNXH”. Trước đây chúng ta mới nói “theo định hướng XHCN”, nay dự thảo nêu “vững bước đi lên CNXH”. “Điều này mang ý nghĩa là CNXH Việt Nam đã được xây dựng, không còn là “định hướng XHCN”. Tất nhiên, chúng ta phải tiếp tục xây dựng CNXH”- ông Thông nói thêm.

Ông Nguyễn Viết Thông cho biết đề cương chi tiết báo cáo chính trị nêu 3 đột phá chiến lược và ông đặc biệt tâm đắc với đột phá về “đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ”.

Theo ông Thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên thấm nhuần quan điểm: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Tổng Bí thư xác định “công tác cán bộ là then chốt của then chốt” nên 3 hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng Đảng đề cập nhiều đến công tác cán bộ.

Tong-bi-thu-Nguyen-Phu-Trong1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo ban hành những quy định về nêu gương, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “một tấm gương sống có giá trị hơn 100 diễn văn tuyên truyền”.

Cụ thể hóa “7 dám” của Văn kiện Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định số 65 về luân chuyển cán bộ; Quy định số 114 (7/2023) về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Gần đây nhất, ngày 9-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

Tổng Bí thư cũng ký ban hành Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị ngày 14-6 về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chỉ thị 35 nêu 7 yêu cầu, trong đó nhấn mạnh 2 vấn đề: Văn kiện và nhân sự.

thong-cao-cua-trung-uong-ngay-lam-viec-cuoi-cung-cua-hoi-nghi-lan-thu-9.jpeg
Hội nghị Trung ương 9, Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TN

Không chỉ đề ra lý luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đặc biệt quan tâm đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Nhiều quy định liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành sau Đại hội XIII, để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Minh chứng rõ nét nhất, là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh để xây dựng Đảng trong sạch. Chúng ta đã khởi tố nhiều vụ án, xử lý nhiều cán bộ với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không nghỉ, không ngừng” và không chịu bất cứ một sự tác động nào.

“Ai cũng phải thừa nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đốt lò vĩ đại. Ông là ngọn cờ tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Tổng Bí thư là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Không chỉ riêng Tổng Bí thư, cả gia đình đồng chí cũng là một tấm gương mẫu mực về vấn đề này” - ông Nguyễn Viết Thông nói thêm.

Giản dị đến mức không thể giản dị hơn

Tôi nhiều lần được tiếp xúc và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là Ủy viên Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương. Ông gây ấn tượng với tôi là người có học hàm, học vị rất cao, trí tuệ uyên thâm. Tổng Bí thư mang nhân cách của người làm khoa học, của nhà lý luận và một nhà lãnh đạo lớn: Lắng nghe, khuyến khích mọi người nói, kể cả ý kiến trái chiều.

Trong cuộc sống hàng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi, hết giờ thường ở lại chơi cầu lông với anh em. Tổng Bí thư là người giản dị đến mức không thể giản dị hơn.

Đám cưới con trai, khi ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang làm Chủ tịch Quốc hội. Đám cưới được tổ chức rất giản dị, trong một phòng nhỏ của Cung văn hóa. Ở Quốc hội, đồng chí chỉ mời ba người. Ai dự đám cưới ấy mới thấy sự giản dị của đồng chí ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc chứ không chỉ ở những việc mọi người chứng kiến được…

PGS.TS NGUYỄN VIẾT THÔNG

Đọc thêm