Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều thành viên Chính phủ vừa có những tiếp xúc sôi động trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ. Tích cực tham gia các hoạt động này có VinaCapital, một quỹ đầu tư tại Việt Nam đã có mặt tại WEF từ 2011 đến nay.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập VinaCapital đã trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM.
WEF Davos 2024 - cảm nhận của một doanh nhân
. Ông cảm nhận không khí hoạt động của đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tại WEF Davos 2024 thế nào?
+ Sôi động và tích cực!
Tại Davos hôm qua, một tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" đã diễn ra, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Là đơn vị đồng tổ chức sự kiện này, tôi cảm nhận sự quan tâm thực sự của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn tài chính. Nhiều lãnh đạo các ngân hàng lớn đã dự tọa đàm, trao đổi với phía Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ (VAV), Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng SEB, Phó Chủ tịch Sàn chứng khoán Thụy Sĩ, lãnh đạo Ngân hàng UBS, đại diện Standard Chartered, Commerzbank Switzerland, HSBC Asia Pacific…
Họ đều thể hiện sự quan tâm rất lớn vào tiềm năng, cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam.
. Ông có thể cho biết Việt Nam có lợi thế nào mà thu hút vậy?
+ Hẳn là các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn ấy đã có quá trình theo dõi, quan sát Việt Nam từ rất lâu rồi. Còn từ tình hình kinh tế vĩ mô 2023, cũng như tầm nhìn lớn lao của Chính phủ Việt Nam thì họ đều thấy đâu đó có cơ hội làm ăn.
Năm qua, Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng GDP 5,1% - một thành tích rất xuất sắc. Trong một môi trường toàn cầu đầy khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp hiệu quả giữ được lạm phát ở mức khiêm tốn. Mức thặng dư thương mại lớn, du lịch quốc tế phục hồi hậu COVID, các biện pháp kích thích tài khóa do Chính phủ thực hiện, cũng như việc đẩy mạnh đáng kể đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cùng với mức vốn FDI đăng ký kỷ lục là 36,6 tỉ USD, tăng hơn 32%.
Vị thế chiến lược của Việt Nam cũng được nâng lên, khi chỉ trong một năm qua, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với một loạt đối tác chủ chốt. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ được công bố vào tháng 9 đã đánh dấu cột mốc quan trọng với một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của đất nước, và hai tháng sau, Việt Nam đã nâng mối quan hệ với Nhật Bản lên cùng mức để ghi nhận sự đầu tư và hỗ trợ liên tục của nước này.
Hệ sinh thái tài chính - tiềm năng và cơ hội
. Tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn để Việt Nam phát triển một trung tâm tài chính hiện đại tầm khu vực, phát triển hệ sinh thái tài chính, cũng như tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Ông nhìn nhận cơ hội ở đây thế nào?
+ Đại diện các ngân hàng lớn của thế giới cũng như các thành viên Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM đã chia sẻ các lợi thế, cơ hội cũng như tầm nhìn dài hạn rồi.
Riêng VinaCapital thì thấy tiềm năng sẽ xuất hiện ngay trong năm mới 2024 này, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ trở lại mức 6-6,5% quen thuộc với Việt Nam trong 10 năm qua. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành sản xuất đang phục hồi, dòng vốn FDI sẽ vẫn mạnh mẽ và niềm tin của người tiêu dùng đang trở lại.
Cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp hiện đang rất dồi dào trong nhiều lĩnh vực, từ chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng, phục hồi nhu cầu trong nước và quốc tế, môi trường lãi suất thuận lợi cũng đang hỗ trợ quan trọng cho đầu tư.
Triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam cũng rất tích cực. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên 14-15% trong khi lãi suất huy động sẽ ở mức thấp. Chất lượng tài sản sẽ được cải thiện, trong khi việc hình thành nợ xấu sẽ giảm bớt.
Năm 2024 sẽ là một năm rất tích cực đối với nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam, bất chấp những căng thẳng và bất ổn toàn cầu tiếp diễn.
. Đây là lần thứ năm Thủ tướng trực tiếp dự WEF, còn các lần khác có đại diện Chính phủ tham dự. Kinh nghiệm tham gia các hoạt động này, ông thấy lợi ích mang lại cho Việt Nam và doanh nghiệp thế nào?
+ Một số người có thể thắc mắc, nhưng với chúng tôi, sau khi thực hiện hàng chục sự kiện tương tự trong những năm qua, có thể khẳng định những sự kiện như thế này mang lại rất nhiều lợi ích.
Tháng 9 năm ngoái, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ở New York, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp với các giám đốc điều hành cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu, để thảo luận về đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam. Sau cuộc họp, một số công ty lớn bày tỏ sự quan tâm đến việc tìm hiểu thêm các cơ hội.
VinaCapital đã làm việc với Hiệp hội Đầu tư 20-20, đại diện cho các nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trên thế giới, để sắp xếp một chuyến thăm cho đại diện của một số công ty thành viên của họ đến TP.HCM hai tháng sau đó, kết nối họ gặp gỡ các bên liên quan và tận mắt chứng kiến thành phố và đất nước đang phát triển như thế nào.
Từ thị trường cận biên kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi
. Gần đây, VinaCapital đã đưa ra dự báo khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều này phản ánh gì về thị trường tài chính Việt Nam?
+ Nền tảng của một nền kinh tế mạnh mẽ và sôi động là một thị trường tài chính ổn định và bền vững. Những nỗ lực đáng kể đang được thực hiện chuyển đổi thị trường vốn của Việt Nam, để có thể giúp các công ty và nền kinh tế phát triển trong dài hạn.
Thị trường chứng khoán đã có một năm đầy biến động, nhưng kết thúc năm 2023, VN-Index đã tăng hơn 9% tính theo USD, trở thành thị trường hoạt động tốt nhất tại ASEAN.
Sự quan tâm đang đổ dồn vào việc liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có được nâng cấp lên thị trường mới nổi hay không - điều mà Chính phủ đã và đang tích cực làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đạt được.
Từ nhiều góc độ, Việt Nam đã giống với một thị trường mới nổi, cấp độ cao hơn so với thị trường cận biên. Xét từ góc độ vốn hóa thị trường, Việt Nam đã vượt qua các thị trường mới nổi khác như Philippines, Ba Lan và Qatar, cũng như về thanh khoản, hạng mục mà Việt Nam đã vượt qua các quốc gia vừa đề cập cũng như Mexico và Malaysia.
Việc nâng hạng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn của Việt Nam, bao gồm tăng cường tiếp cận với các nhà quản lý vốn từ các thị trường mới nổi khác và trên toàn cầu, được bao gồm trong các quỹ ETF thụ động của thị trường mới nổi, môi trường tốt hơn cho IPO và tư nhân hóa, và tăng tính thanh khoản. Ước tính, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ mang lại dòng vốn hơn 6 tỉ USD vào chứng khoán Việt Nam.
Dòng vốn ngoại thường sẽ đến trước thời điểm nâng hạng
Theo một số thống kê, dòng vốn ngoại thường sẽ đến trước thời điểm chính thức nâng hạng khoảng 1 - 2 năm và thúc đẩy thị trường chứng khoán bật tăng mạnh.
Điển hình như thị trường chứng khoán Qatar đã tăng hơn 45% (từ tháng 9-2013 đến 9-2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (từ 3-2017 đến 3-2018), Romania tăng hơn 18% (từ tháng 9-2018 đến 9-2019). Vì thế, năm 2024 được giới đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại.
Nguồn: VinaCapital
Việc giới thiệu một giải pháp tài chính hưu trí cho các nhà đầu tư cá nhân là rất quan trọng đối với sự phát triển và trưởng thành của thị trường vốn. Một giải pháp như vậy sẽ làm tăng tỷ lệ tiết kiệm của các nhà đầu tư Việt Nam, giảm biến động hàng ngày và giúp các giải pháp đầu tư được quản lý chuyên nghiệp tiếp cận người dân thuận lợi hơn.
Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1160, thành lập một Ban chỉ đạo để thúc đẩy Dự án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đặt tại TP.HCM. Sáng kiến này là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển và hội nhập với thị trường tài chính toàn cầu.
. Cảm ơn những chia sẻ của ông!