Tại Thụy Sĩ, ý tưởng về trung tâm tài chính tại TP.HCM được giới thiệu với các ngân hàng lớn

(PLO)- Ý tưởng về xây dựng một trung tâm tài chính tầm khu vực tại TP.HCM đã được giới thiệu với các ngân hàng lớn, chính khách trong tọa đàm tại Thụy Sĩ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Thụy Sĩ – trung tâm tài chính lớn của thế giới, một tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" đã diễn ra tối qua, 17-1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Ngân hàng Thuỵ Sĩ, Quỹ đầu tư VinaCapital và CT Group tổ chức trong dịp Thủ tướng cùng các bộ trưởng kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên (WEF Davos).

Tại Thụy Sĩ, ý tưởng về trung tâm tài chính tại TP.HCM được giới thiệu với các ngân hàng lớn của thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ chụp ảnh chung với lãnh đạo các ngân hàng lớn và chính khách tại tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam". Ảnh: VGP

Tiềm năng, cơ hội về một trung tâm tài chính tầm khu vực tại TP.HCM

Tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn như: Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt; cựu Phó Thủ tướng Đức, TS Philipp Rösler; Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ (VAV) Pascal Gentinetta; Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng SEB lớn nhất Bắc Âu Marcus Wallenberg; Phó Chủ tịch Sàn chứng khoán Thụy Sĩ Soren Mose; lãnh đạo Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ, Blackrock Switzerland; hai ngân hàng lớn hàng đầu Standard Chartered, Commerzbank Switzerland; HSBC Asia Pacific…

Tại tọa đàm lãnh đạo các bộ, ngành đã chia sẻ những tiềm năng để hình thành một trung tâm tài chính hiện đại, có tính liên kết cao, tầm khu vực ở Việt Nam. Các yếu tố thuận lợi là kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao.

Đáng chú ý, Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa lý kinh tế chiến lược, đây là lợi thế riêng có và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Tại Thụy Sĩ, ý tưởng về trung tâm tài chính tại TP.HCM được giới thiệu với các ngân hàng lớn của thế giới
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ kế hoạch của Việt Nam trong hình một thành trung tâm tài chính hiện đại, tầm khu vực, đặt tại TP.HCM. Ảnh: VGP

Ý tưởng được TP.HCM theo đuổi 20 năm

Tham gia sự kiện này đáng chú ý có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, đầu tàu kinh tế phía Nam đã theo đuổi ý tưởng về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ 20 năm nay, và đã được Thủ tướng đồng ý giao xây dựng đề án.

Về tiến độ, ông Mãi cho biết trong năm nay, thành phố cùng các bộ ngành sẽ tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội xây dựng khung pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là tại khu vực quận 1 và Thủ Thiêm; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của trung tâm tài chính quốc tế.

Với công tác chuẩn bị này, mục tiêu đề ra là tới năm 2030, một trung tâm tài chính khu vực sẽ hình thành tại TP.HCM.

Để kế hoạch này được triển khai thành công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam rất cần sự tư vấn, sáng kiến và sự đồng hành của các tổ chức tài chính lớn.

Quá trình trao đổi, ông Claudio Cisullo, đại diện ngân hàng UBS cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính, cũng đang có cơ hội rất đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những "vết xe đổ", những lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital cho hay Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) đã quyết định ngay sau cuộc tọa đàm với Thủ tướng sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam (dự kiến tháng 2/2025). Hiện có 200 doanh nghiệp thành viên YPO quan tâm đến Việt Nam trên các lĩnh vực rất đa dạng.

tai-thuy-si-y-tuong-ve-trung-tam-tai-chinh-tai-tp-hcm-duoc-gioi-thieu-voi-cac-ngan-hang-lon-cua-the-gioi (1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các ngân hàng lớn của thế giới chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam thành lập trung tâm tài chính hiện đại, tầm khu vực. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đề nghị các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam

Chủ trì tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các chuyên gia, các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực…

Ông bày tỏ mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển hệ sinh thái tài chính.

Sẽ có nhiều việc cần làm như cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nâng cao các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, qua đó tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn của thế giới nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Tại sự kiện, vấn đề nâng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam nhận được sự thu hút của nhiều đại diện ngành tài chính quốc tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết theo quy định hiện hành, tỉ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tỉ lệ này với một tổ chức nước ngoài là không vượt quá 15%, với một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không vượt quá 20%. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng sẽ quyết định tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với từng trường hợp cụ thể.

Theo bà Hồng, trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài hiện mới chỉ sở hữu khoảng 15% vốn điều lệ tại một số ngân hàng, tức là còn cách xa mức giới hạn quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm