Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính và triển vọng nhìn từ WEF 2024

(PLO)- "Xây dựng lại niềm tin” là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2024, và chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là một bước cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác Việt Nam – WEF năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại thành phố Davos, Thụy Sĩ từ 15 đến 19-1.

Dự kiến hơn 100 quan chức cấp cao đại diện chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác sẽ tham dự WEF cùng với các nhà lãnh đạo xã hội, chuyên gia, nhà hoạt động thanh niên, doanh nhân và giới truyền thông.

Việt Nam trên đường tìm kiếm cơ hội hợp tác

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân đã có mặt tại Thụy Sĩ hôm nay, 16-1, để tham dự các hoạt động tại WEF.

Chuyến công du của Thủ tướng sẽ tập trung vào các hoạt động Tọa đàm thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam – WEF; Đối thoại chính sách Việt Nam - Định hướng tầm nhìn toàn cầu; Tọa đàm về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam; phiên thảo luận Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN; và một số tiếp xúc song phương khác.

Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính và triển vọng nhìn từ WEF 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Zurich, Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác tham dự WEF Davos 2024. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính là Thủ tướng thứ năm của Việt Nam trực tiếp tham dự WEF, kể từ khi quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF được khởi đầu, năm 1989, cũng là thời điểm bắt đầu đổi mới kinh tế trong nước.

Việt Nam tìm thấy ở WEF các cơ hội đối thoại với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở các ý tưởng về cải cách kinh tế, cũng như cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.

Với WEF 54 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cụ thể hóa, triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – WEF giai đoạn 2023-2026 mà ông cùng GS Klaus Schwab – Chủ tịch điều hành WEF đã chứng kiến lễ ký kết tại Thiên Tân, Trung Quốc tháng 6-2023.

Trong bản ghi nhớ này, theo tài liệu của Bộ Ngoại giao, hai bên tập trung hợp tác trong sáu lĩnh vực, gồm: (i) Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; (ii) Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; (iii) Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; (iv) Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); (v) Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; (vi) Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR).

Dự báo của chuyên gia kinh tế tham dự WEF

Dự báo về WEF năm nay, các hãng thông tấn quốc tế cho rằng dù diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với nhiều xung đột vũ trang, hậu quả đại dịch COVID-19 còn rơi rớt, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, lãi suất cao còn không ít hệ lụy, nhưng WEF 2024 vẫn có thể là nơi mà Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng các nhà lãnh đạo các nước cũng như các tập đoàn hàng đầu thế giới đưa ra sáng kiến, qua đó có thể mang lại sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Khảo sát do Reuters thực hiện với hơn 60 chuyên gia kinh tế tham dự WEF trước thềm hội nghị thường niên, nhận định kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ phải đương đầu với triển vọng tăng trưởng thấp, sự bất ổn từ tình hình địa chính trị, trong điều kiện tài chính thắt chặt cùng những ảnh hưởng đến từ sự phát triển lĩnh vực AI.

Khoảng 56% chuyên gia tin rằng tình hình kinh tế toàn cầu sẽ xấu đi trong năm nay, mức độ chênh lệch giữa các nền kinh tế trong cùng khu vực sẽ ngày càng lớn.

Các chuyên gia cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn ở ngưỡng trung bình hoặc cao, tuy nhiên kinh tế châu Âu được dự báo tăng trưởng “rất yếu”.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương được đánh giá tích cực, rất nhiều dự báo mức tăng trưởng khá.

Còn theo khảo sát của Bloomberg thực hiện với đại diện các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tham gia WEF, lãi suất cơ bản trên toàn cầu đã lập đỉnh. Ước tính khoảng 70% đại diện ngân hàng trung ương các nước khẳng định điều kiện tài chính sẽ nới lỏng khi lạm phát hạ nhiệt và tình trạng thiếu cung trên thị trường lao động được giải quyết.

Về tác động của AI, 94% chuyên gia tham gia WEF cho rằng công nghệ AI sẽ giúp tăng năng suất tại nhóm quốc gia thu nhập cao trong vòng 5 năm tới, tuy nhiên với nhóm các nước thu nhập thấp, chỉ 53% dự báo về khả năng này.

Nỗ lực tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường

Trước thềm hội nghị lần này, WEF công bố kết quả khảo sát chất lượng tăng trưởng kinh tế tại 107 quốc gia trên thế giới. Theo đó, phần lớn các nước đang tăng trưởng theo cách không quan tâm đủ đối với các mục tiêu tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.

screenshot-1705113230-1705113244.png
WEF đang hướng đến mục tiêu cân bằng phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu về môi trường - Ảnh: REUTERS

WEF cho biết họ đang thực hiện các chiến dịch để tìm ra hướng phát triển mới, giúp cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu xã hội, môi trường và nhiều ưu tiên khác.

Với chủ đề tổng quát “Xây dựng lại niềm tin”, WEF năm nay sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác, tìm giải pháp xử lý những vấn đề mang tính cấu trúc gây chia rẽ ở các khu vực trên thế giới.

WEF kỳ vọng có thể đánh giá lại các cơ chế kinh tế thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra việc làm, bằng cách tiếp cận lấy người lao động làm trung tâm.

Các nhà lãnh đạo tại WEF cũng sẽ bàn về các chính sách tập trung khai thác AI cho các lợi ích xã hội, đồng thời quản lý những thách thức pháp lý đến từ tiến bộ công nghệ.

Diễn đàn cũng sẽ tiếp tục bàn về các phương pháp tiếp cận có hệ thống, cân bằng các giá trị để đạt đồng thuận vì một thế giới không có carbon và hướng tới môi trường thiên nhiên tích cực vào năm 2050.

Còn theo Bộ Ngoại giao, chuỗi hoạt động dày đặc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ tháng 1- 2024 này thể hiện sự chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào sự đoàn kết, thịnh vượng chung của toàn thế giới.

Qua đó, bạn bè quốc tế có thông tin và hiểu hơn về tiềm năng, cơ hội hợp tác, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam nhằm thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm