Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam 2024 sẽ không cần quá lo về lạm phát và tỷ giá

(PLO)- Chu kỳ thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu sẽ kết thúc trong năm 2024, và nhờ vậy kinh tế Việt Nam sẽ không có nhiều áp lực về tỷ giá cũng như lạm phát. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một cuộc thảo luận kinh tế uy tín, do Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam - tổ chức tập hợp các chuyên gia tài chính tên tuổi, tổ chức sáng 6-1, đã chia sẻ những góc nhìn về kinh tế Việt Nam 2023 cũng như triển vọng 2024.

Kinh tế Việt Nam 2024 sẽ không cần quá lo về lạm phát và tỷ giá
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup.

Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu hoàn toàn kết thúc

Với độ mở kinh tế rất rộng, thể hiện chỉ số giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP khoảng 200% thì trước khi bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam, phải xét yếu tố bên ngoài như sức khỏe các thị trường lớn của hàng Việt.

Theo ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc WiGroup, Mỹ đã duy trì được tăng trưởng bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm 2022 mà đến nửa cuối 2023 mới phát đi tín hiệu sẽ dừng lại. Như vậy có thể lạc quan với thị trường lớn cho hàng xuất khẩu Việt, với dự báo 2024 là Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong trung hạn để đưa lạm phát trở về mục tiêu 2%.

Cũng theo CEO của WiGroup, kinh tế Trung Quốc tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đang dần hồi phục nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. GDP quý III/2023 tăng 1,3% so với quý trước, tăng 4.9% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh những khó khăn trong đó thị trường bất động sản là điểm nghẽn lớn.

kinh-te-viet-nam-nam-2024-se-khong-can-qua-lo-ve-lam-phat-va-ty-gia1a-5169.jpg
Lạm phát trên toàn cầu đã được kiểm soát tốt - Nguồn:WiGroup

Châu Âu, theo ông Báu là khu vực này có rủi ro suy thoái lớn nhất bắt nguồn từ xung đột kéo dài Nga - Ukraine dẫn tới khủng hoảng năng lượng ở các nền kinh tế vốn lệ thuộc quá lâu vào dầu mỏ, khí đốt Nga. Dù vậy, suy thoái nếu có sẽ không sâu nhờ khả năng cân bằng của thị trường khí đốt và hỗ trợ mạnh từ chính sách tài khóa. Nhưng khó hơn Mỹ, tiền lương ở châu Âu đang tăng nhanh dẫn tới áp lực lạm phát.

Nhìn chung, các nền kinh tế lớn đồng thời là đối tác thương mại lớn của kinh tế Việt Nam đều đang gặp phải những khó khăn khác nhau. Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 được dự báo khó có chuyển động tích cực đáng kể. Lạm phát giảm về sát mục tiêu vẫn là điều kiện quan trọng để các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sự phục hồi này được kỳ vọng xuất hiện vào nửa cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Mỹ, châu Âu và Anh đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất nên dự kiến sẽ không có thêm quyết định tăng lãi suất nào trong tương lai gần. CEO WiGroup dự đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa sau năm 2024, bắt đầu từ FED, sau đó là châu Âu và Anh.

Những động lực chính của kinh tế Việt Nam

Trở lại với Việt Nam, CEO WiGroup dự báo trong năm 2024, tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng chậm, thấp hơn trung bình 5 năm trước, do thu nhập người dân bị ảnh hưởng, vốn phần lớn bị “chôn” trong bất động sản. Nhưng du lịch dự kiến sẽ hồi phục, khách quốc tế tăng trở lại.

Đầu tư công là một động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023, và xu thế này dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 ước đạt 579 nghìn tỷ đồng, tương đương 73,5% kế hoạch. Tình hình giải ngân sẽ tốt hơn do Chính phủ tăng cường điều hành đồng thời gỡ vướng cho các dự án đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

kinh-te-viet-nam-nam-2024-se-khong-can-qua-lo-ve-lam-phat-va-ty-gia1-5100.jpg
Một số lĩnh vực đóng góp quan trọng vào GDP vẫn đương đầu khó khăn nhất định
Nguồn: WiGroup

Theo số liệu của ông Trần Ngọc Báu, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2023 ước tăng 2,84% - mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 12 tăng lên 48,9 điểm, cải thiện hơn mức 47,3 điểm của tháng 11, song vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự suy giảm trong kinh doanh sản xuất. Doanh nghiệp giảm sản lượng, tồn kho và việc làm vì đơn đặt hàng mới giảm.

Tình hình này được dự báo sẽ phục hồi dần trong năm 2024 nhờ niềm tin của người tiêu dùng tăng ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU và nhờ vậy mang đến trợ lực quan trọng cho kinh tế Việt Nam.

Tổng vốn FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32%, trong đó vốn mới tăng 62,2% lên hơn 20 tỷ USD. FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%. Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo dẫn đầu với 23,5 tỷ USD, chiếm 64.2% tổng vốn; kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 4,67 tỷ USD, chiếm 12.7%.

Trên cơ sở này, ông Báu dự báo FDI vẫn duy trì ở mức cao, song có thể chịu áp lực khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Vì vậy, đây là một yếu tố cần tính tới khi dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024.

Tỷ giá tiền đồng và diễn biến lạm phát

Trả lời phỏng vấn PLO gần đây, Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) – ông Cấn Văn Lực nhận định tỷ giá tiền đồng Việt Nam sẽ ổn định trong năm 2024.

Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư VIS Rating trong cuộc thảo luận ngày 6-1 cũng đưa ra quan điểm tương tự. Theo đó, năm 2023, VND đã mất giá ước tính 2,75% so với USD Mỹ, nhưng sang năm 2024, khi xu thế siết chặt tiền tệ toàn cầu chính thức kết thúc, diễn biến giảm giá của VND sẽ không quá 2%.

0601vietnamc-6479.jpg
Kinh tế Việt Nam 2024 không phải quá lo lắng về tình hình tỷ giá.

Ông Minh đồng thời khẳng định với những diễn biến đến hiện tại, hoàn toàn không cần phải lo lắng về vấn đề lạm phát trong năm 2024 bởi giá dầu và giá lương thực không tác động đẩy cao CPI trong năm 2024.

Chu kỳ phát triển mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp hai năm qua đã trở thành “điểm nghẽn” tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhưng đầu năm 2024 đang có dấu hiệu phục hồi - theo quan điểm của ông Minh.

kinh-te-viet-nam-nam-2024-se-khong-can-qua-lo-ve-lam-phat-va-ty-giatranleminh-2875.jpg
Ông Trần Lê Minh, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư VIS Rating

Dấu hiệu phục hồi xuất xuất hiện từ cuối tháng 7-2023 đến nay, trong đó tính chung tổng giá trị trái phiếu phát hành trong năm 2023 đạt 309.000 tỷ đồng, cao hơn tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành cùng năm và cao hơn giá trị trái phiếu phát hành năm 2022.

0601vietnamd-4493.jpg
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực.

Theo chuyên gia Trần Lê Minh, lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, phần lớn trong lĩnh vực bất động sản, đã được kéo dài thời gian trả nợ, trung bình khoảng 21 tháng, tức là thời gian trả nợ được lùi sang năm 2025 và 2026.

Cùng với giải pháp pháp lý - kỹ thuật này, Chính phủ đang tích cực bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế để giúp các doanh nghiệp bất động sản bán được hàng, có dòng tiền trả nợ khi trái phiếu đáo hạn. Đây là giải pháp xử lý rất hợp lý và toàn diện của Chính phủ, theo CEO VIS Rating Trần Lê Minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm