Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường: 40% hay 10%?

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ không đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến, dự án Luật TTĐB (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong tháng này.

Một trong những nội dung được bổ sung tại dự thảo là "mở rộng cơ sở tính thuế", trong đó có quy định "bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB". Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Hiện, đề xuất này vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan góp ý, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.

Điển hình, Bộ Y tế cho rằng thuế suất 10% là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, các bệnh không lây nhiễm. Do đó, Bộ này đề xuất áp mức thuế cao hơn lên đến 40%.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất mức 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cả kỳ vọng tăng nguồn thu thuế hay nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng đều không đạt được.

Hụt thu ngân sách

Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra nếu áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát thì số thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế TTĐB) năm đầu tiên áp dụng sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm 2.152 tỷ đồng.

Từ những năm tiếp theo, số thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và thuế trực thu đều bắt đầu suy giảm 0,495%/năm, tương ứng 4.978 tỷ đồng/năm. Tình trạng này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận, kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB này không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường vẫn gây tranh cãi. Ảnh: M.T

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia phân tích, toàn bộ thuế TTĐB chiếm 8,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế TTĐB với NGK có đường cũng chiếm một tỷ lệ nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm.

Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ NGK có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản, bởi không loại trừ tình trạng lách thuế.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTA) cho rằng, để đưa ra một chính sách thuế cần đảm bảo rõ ràng minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Riêng NGK có đường có chuỗi cung ứng liên tục từ khâu nguyên liệu tới khâu sản xuất sau đó liên quan tới khâu dịch vụ, bán lẻ rồi ăn uống. Vì vậy, khi ngành NGK có đường bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, sinh kế người lao động nên cần cân nhắc kỹ.

Doanh nghiệp lo gặp khó

Theo các chuyên gia và Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát (VBA), quá trình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố về kinh tế - xã hội và các chính sách mới ban hành.

Đơn cử, Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực từ ngày 1-8 cho phép công bố bảng giá đất mới và sẽ được điều chỉnh hàng năm. Việc áp dụng quy định mới sẽ khiến bảng giá đất mới tại các địa phương tăng 2-7 lần so với hiện tại, dẫn đến chi phí thuê đất hàng năm của các doanh nghiệp tăng lên tương ứng.

Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn pháp luật về trách nhiệm tái chế, kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính cùng các loại phí môi trường cũng làm chi phí tuân thủ, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành tăng lên đáng kể.

Giá mặt hàng đường, nguyên liệu đầu vào cũng tăng do thuế VAT đối với mặt hàng đường đã điều chỉnh từ 5% lên 10%.

Hay dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Khi các luật này được thông qua và có hiệu lực từ năm 2026, các doanh nghiệp ngành nước giải khát sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế nếu mặt hàng NGK có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Với các lý do trên, doanh nghiệp trong ngành này buộc phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối doanh thu và chi phí. Điều này có thể khiến lạm phát gia tăng khi mặt hàng đồ uống cũng nằm trong rổ hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính chỉ số CPI.

Theo VBA, trước áp lực chi phí sản xuất, hoạt động trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm