Tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10%. Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...
Bộ Tài chính ước tính thu thêm khoảng 2.400 tỷ đồng một năm. "Việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải", Bộ Tài chính giải thích.
Bộ Tài chính cũng tính toán rằng giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng. Đặc biệt áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng; Đồng thời người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.
Người tiêu dùng ít mua nước giải khát giảm đường
Nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia cho rằng cần đánh giá kĩ tác động của phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico)-Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nhận xét, nước giải khát có đường hay đồ uống có đường có đối tượng tiêu thụ đa số là tầng lớp bình dân.
Bộ Tài chính cho rằng đánh thuế TTĐB 10% đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh các bệnh như tiểu đường, béo phì, sâu răng. Khi đánh thuế TTĐB 10%, giá bán sẽ tăng tương ứng.
Tuy nhiên, có lẽ không có DN đồ uống nào đủ can đảm tăng giá bán lẻ 10% vì sẽ tạo nên cú sốc về khả năng tiêu dùng, đặc biệt nước giải khát là sản phẩm thiết yếu, đa số người có thu nhập bình dân, nhất là lao động ở nông thôn tiêu dùng.
Hơn nữa, khi sản phẩm không đủ độ ngọt như nhu cầu họ tìm sản phẩm khác thay thế. Như vậy, thiệt hại của DN không phải 10% mà hơn nữa.
Chưa kể, Việt Nam với 65% lao động ở nông thôn, chính sách áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường là “đánh” vào 65% người nghèo.
Ngoài ra, sẽ có người tiêu dùng giảm uống nhưng có người sẽ bỏ hẳn nên tăng thuế không theo lý thuyết giảm tiêu thụ tương ứng mà thể giảm đến 20%, thậm chí 50%.
“Bidrico trước đây đã điều chỉnh công thức và công bố cho người tiêu dùng biết đây là sản phẩm giảm đường. Khi chúng tôi tung ra thị trường họ không chấp nhận, trả lại hàng hóa. Đây là một trong những phản ứng rất nhanh của người tiêu dùng. Tức thì trong một tuần công ty phải thu hồi và quay lại với phương thức cũ.
Mặt khác, chúng tôi tiến hành đăng ký công bố lại sản phẩm, làm lại nhãn mác. Ngoài tuyên truyền, đính chính mất hơn một tháng mới ổn định lại thị phần”-ông Hiến chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty cà phê trái cây Meet More cho biết, đề xuất đánh thuế TTĐB nước giải khát có đường trên 5g/100ml cần xem xét nhiều yếu tố.
Cụ thể, cơ thể mỗi người hấp thụ lượng đường khác nhau. Bên cạnh đó, ở một số nước các công ty nghiên cứu những loại đường ăn kiêng để bổ sung vào sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.
Xem xét áp thuế TTĐB 5%
Tổng Giám đốc Công ty cà phê trái cây Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét không đánh đồng đánh thuế đường thêm vào hay chất tạo ngọt cho sản phẩm và đường tự nhiên có trong sản phẩm.
“Với mức thuế TTĐB 10% là quá cao, thuế chồng thuế gây nhiều khó khăn cho DN nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm”,ông Luận nhìn nhận.
Tổng Giám đốc Bidrico cũng phân tích: Chúng tôi đồng tình áp dụng thuế TTĐB chỉ ở mức 5%, nếu 10% sẽ là cú sốc lớn với DN và khách hàng. Trong 32 năm qua công ty chúng tôi và thị trường chưa thấy đơn vị nào dám tăng giá 10%”-ông Hiến nói.
Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chính sách Hội tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM nêu quan điểm, đồng tình với đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc áp mức thuế suất bao nhiêu phần trăm cần xem xét.
Chẳng hạn, liệu 1% mức thuế TTĐB đối nước giải khát có đường sẽ tác động bao nhiêu % sự thay đổi hành vi tiêu dùng, từ đó xác định với hàm lượng đường trên 5g/100ml áp thuế 5%, 10% hay 15% sẽ phù hợp.
Qua đó, vừa đảm bảo mục tiêu điều tiết vĩ mô vừa giúp người dân ý thức trong hạn chế dùng sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Đồng thời hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt là DN sản xuất xanh, có sản phẩm có hàm lượng đường phù hợp đảm bảo sức khỏe NTD.
“Tôi cho rằng cần xem xét khía cạnh mức thuế 10% và có sự lí giải. Đồng thời, cần có các bậc thuế khác nhau tương tự rượu bia tùy nồng độ cồn có mức thuế khác nhau. Theo đó, nước giải khát có độ đường khác nhau, mức thuế tương ứng và phù hợp với bối cảnh chung”-ông Được nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, điều quan trọng của chính sách đánh thuế TTĐB không chỉ tăng thu ngân sách mà để người dân ý thức trong giảm tiêu dùng sản phẩm không tốt cho sức khỏe.
Theo TS Điền, khi chính sách chưa đi vào thực tế có khó đánh giá hiệu quả hoặc nếu có nghiên cứu cũng không đáng tin cậy. Do đó, sau khi được ban hành Nhà nước cần đánh giá lại.
"Ví dụ, sau một năm áp dụng thuế TTĐB, giá bán lẻ tăng, người dân giảm mua, DN sẽ cơ cấu lại sản phẩm tốt cho sức khỏe, thì chính sách đã phát huy hiệu quả. Ngược lại, Nhà nước cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”-TS Điền nói.
DN đang rất chật vật trước những khó khăn chồng chất
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong bối cảnh hiện nay nếu nhà nước không tăng thuế TTĐB các DN đã rất chật vật trước những khó khăn chồng chất.
Trước đây, dự thảo Luật thuế TTĐB Bộ Tài chính đề xuất đồ uống có đường chịu thuế TTĐB, VBA đã chia sẻ nhiều thông tin khoa học, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị gửi cơ quan soạn thảo và mặt hàng đồ uống có đường đã được bỏ ra khỏi dự thảo.
Mới đây, sau khi dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi được đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo luật tiếp tục đưa nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là đối tượng áp thuế TTĐB.
VBA cho rằng cần cân nhắc kỹ càng trong bối cảnh nền kinh tế dự báo nhiều khó khăn. Khả năng phục hồi của DN còn rất chậm, đang còn phải trông chờ vào các hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước như đề xuất tiếp tục xem xét gia hạn giảm thuế VAT 2% cho đến hết năm 2024, cắt giảm các thủ tục hành chính, phí và lệ phí...
Theo bà Vân Anh, chính sách tăng thuế TTĐB hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, những theo các nghiên cứu khoa học, tại Việt Nam bệnh béo phì hay tim mạch có rất nhiều nguyên nhân, trong đó tiêu thụ nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính.
"Các sản phẩm nước giải khát, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao đều chứa đường và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, cần làm rõ các nguyên nhân để hướng tới truyền thông, khuyến cáo và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý"-bà Vân Anh nói.
Hơn nữa, các nghiên cứu đã công bố cũng không đại diện cho hết tất cả các đối tượng, thậm chí hiện nay ngay cả những vùng sâu vùng xa nông thôn, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được nước giải khát có đường.
Theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, những đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các tác động không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp.
Đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của DN bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nếu không, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ khó đạt được mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng như kỳ vọng.
Trước đó, nhiều hiệp hội phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.