Tranh cãi về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

(PLO)- Dù nhiều nước trên thế giới đã tăng thuế với sản phẩm đồ uống có đường, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn đang đón nhận nhiều ý kiến trái chiều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay, 5-4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng đối với đồ uống có đường.

Băn khoăn khả năng tăng thuế đối với đồ uống có đường làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội
ý kiến đề xuất thay vì tăng thuế, nên có quy định buộc doanh nghiệp đưa ra thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng đường thấp hoặc thiên nhiên

Vì sức khỏe cộng đồng, cần tăng thuế với đồ uống có đường

Tại hội thảo, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh đến những tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe của con người.

Bằng chứng toàn cầu cho thấy rằng tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng, ngoài ra là một nguyên nhân dẫn tới thừa cân và béo phì. Đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, theo Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam.

TS Angela Pratt nhận xét trong 20 năm qua, khi cuộc sống vật chất của người Việt Nam tốt hơn thì tiêu thụ đồ uống có đường cũng tăng mạnh, gần 10 lần. Năm 2002, trung bình mỗi người tiêu thụ mỗi năm khoảng 6 lít đồ uống có đường thì đến năm 2021, con số này đã là 53,78 lít. Tính ra, mỗi người Việt đang uống khoảng 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.

Ở góc độ chuyên gia, nghiên cứu viên Nguyễn Thị Thùy Duyên thuộc Đại học Y tế Công cộng cho biết hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng thuế với loại mặt hàng này. Điểm tên thì có Ireland tăng thuế với đồ uống có đường năm 2013, Ấn Độ (2014), Nam Phi (2014), Indonesia (2018) hay Zambia (2020)… Mức thuế được đẩy lên mức 11-25% tùy loại.

Đến từ WHO, ông Nguyễn Hùng Lâm cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường nên tối thiểu 20% mới đủ tạo ra tác động. Ngoài ra cần áp thuế dựa trên lượng đường trong sản phẩm để khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển sang dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe con người hơn.

Ý kiến trái chiều

Tuy nhiên theo quan điểm của một nghiên cứu viên khác của tổ chức Health Trend cho rằng việc tăng thuế này chưa giảm được nhiều tỷ lệ người thừa cân, béo phì, đái tháo đường.

Như Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng đến năm 2016-2017, tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước này vẫn tăng, từ 19,2% lên 30,3% đối với nam giới và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới.

Tương tự, tại Mexico sau hai năm áp thuế, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico có xu hướng tăng trở lại. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2021...

Theo ý kiến này, ngoài thuế thì cần một công cụ toàn diện hơn để giảm thiểu tình trạng béo phì, tiểu đường.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống nội địa trong thời gian gần đây cũng thể hiện quan điểm băn khoăn về các đề xuất tăng thuế với đồ uống có đường.

Ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, từ năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp giảm 10-15% so với năm 2019; năm 2022 doanh thu giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp mới trải qua dịch COVID-19 và thậm chí còn chưa phục hồi được hoạt động kinh doanh là không hợp lý.

“Hiện chi phí đầu vào và nguyên liệu thô cho sản xuất như giá hoa houblon, vỏ lon, nắp chai, các nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển... đã tăng cao hơn so với mức lạm phát. Các nhà máy sản xuất đang chịu giá đầu vào tăng 20%-40% trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và giá bán không thể tăng”, ông Tuấn phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trong khi đó lại lo ngại về kịch bản tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội so với doanh nghiệp ngoại cùng ngành.

Ông Hải phân tích sự cạnh tranh thiếu công bằng vô lý này sẽ khiến các doanh nghiệp đồ uống trong nước kinh doanh thua lỗ, không còn động lực để đầu tư mở rộng hay chiều sâu và dẫn đến phá sản. Tệ hại hơn nữa, sự mất cân đối lại tạo lợi thế, động lực cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mở rộng sản xuất, nhanh chóng thâu tóm thị trường Việt Nam.

Thuế cũng không phải công cụ duy nhất để điều tiết. Nhìn từ câu chuyện Nhật bản, đất nước dù không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường nhưng lại có tỷ lệ béo phì thừa cân rất thấp ở châu Á, công tác truyền thông để người dân tự hiểu và ý thức về sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe cũng tạo ra nhiều tác động rất tích cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm