Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường không chặn được béo phì

(PLO)- Chuyên gia cho rằng, các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần đảm bảo minh bạch, công bằng, hợp lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Kiến nghị không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt".

Đó là thông tin được bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đưa ra tại hội thảo góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức sáng 11-7.

Không bổ sung nước giải khát vào đối tượng chịu thuế

Bà Vân Anh nhấn mạnh, hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ là không rõ ràng, bởi, nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì.

thuế tiêu thụ đặc biệt
Bà Chu Thị Vân Anh - đại diện VBA - góp ý kiến về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: M.T

Do đó, nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục tiêu thụ đường, chất béo, chất đạm từ các nguồn thực phẩm khác vượt nhu cầu khuyến nghị thì dù có áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường thì vẫn không giải quyết được vấn đề béo phì. Chưa kể, chính sách này còn gây phân biệt đối xử, không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các mặt hàng có chung tác động.

Cũng theo bà Vân Anh, trên thị trường rất phổ biến các loại đồ uống có đường được sản xuất thủ công như trà sữa, cà phê mang đi... Đây là phân khúc khó để thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hoá, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ dịch chuyển sang những đồ uống này khi thuế vào nước giải khát tăng.

Chưa kể, áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành công nghiệp phụ trợ như mía đường, bao bì, bán lẻ, hậu cần.

Với lập luận đó, đại diện VBA kiến nghị, không bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đề xuất giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng thuế với rượu, bia

Còn đối với mặt hàng đồ uống có cồn, bà Vân Anh cho biết, năm 2023 ghi nhận sự tụt dốc doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp bia.

Cơ sở của đề xuất tăng thuế và đánh giá tác động mới chỉ tập trung vào một mục tiêu là tăng giá bán rượu bia lên 10% hoặc 20% và tăng đều các năm, mà không có đánh giá tác động toàn diện như: giảm tiêu dùng, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tác động tới ngân sách, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp…

Mặt khác khi tăng thuế sẽ làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường...

Từ đó, đại diện VBA đề nghị thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sang năm 2027, thay vì 2025 như dự kiến. Ban soạn thảo cũng nên xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát cùng các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.

Thuế tiêu thụ đặc biệt 1.jpeg
Ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Ảnh: Minh Trúc

Theo ông Phụng, các doanh nghiệp hiện đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí, như thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải (đang chuẩn bị bổ sung).

“Các loại chi phí này sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang vật lộn với quá trình phục hồi sau đại dịch và sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu”, ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, nếu đánh thuế đối với mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác, mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm.

Do đó, khuyến nghị các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần đảm bảo minh bạch, công bằng. Từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách khiến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành "gồng" quá sức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm