Đại biểu: Cần phân biệt, quy định nồng độ cồn nội sinh với nồng độ cồn do uống rượu, bia

(PLO)- Cần quy định chặt chẽ về nồng độ cồn để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn cho biết, đa số đại biểu nhất trí với dự thảo luật về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích cụ thể và cho biết hầu hết các ý kiến đều nhất trí, có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, tại kỳ họp thứ 6, trong phiên thảo luận tổ, ông đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, nên theo xu hướng với đa số các nước trên thế giới.

Việc lực lượng CSGT theo dõi mức vượt 0 hay vượt 0.25 mg/lit khí thở tương đương với việc uống một chai bia 330 ml cũng không khác gì nhau.

Thậm chí, có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ số để xác định độ tỉnh táo của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trước khi xử phạt.

“Mới đây, khi tham dự một đám cưới ở quê nhà, tôi thấy việc cấm tuyệt đối có khi lại đúng. Một bộ phận người dân vẫn nể nang nhau hơn là coi trọng pháp luật”, ĐB Nguyễn Quang Huân chia sẻ.

qh-huan-binh-duong.jpg
ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu.

ĐB Huân cho hay thành thực mà nói, các ý kiến về nồng độ cồn đều có vẻ định tính và ông đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm những cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định thấu tình, đạt lý, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân.

Ông Huân phân tích cơ sở về thống kê xã hội học và cho rằng: “Nếu số vụ tai nạn đa số do vượt ngưỡng rượu bia gây ra, các vụ tai nạn do rượu bia chỉ tập trung ở một nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và áp dụng các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông chứ không lấy cái riêng đơn lẻ áp dụng cho cái chung.

Nghĩa là khi đó không nên quy định nồng độ cồn bằng 0. Ngược lại, nếu số liệu cho thấy tai nạn do rượu bia gây ra chiếm tỷ lệ lớn, phân bố ở mọi đối tượng độ tuổi, thành phần, độ tuổi, không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào luật…".

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) thì cho rằng cần quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông.

ĐB Tuấn đặt vấn đề xem cơ sở cấm đã đầy đủ, chặt chẽ và liệu có thể gây ra trường hợp bị xử lý oan, sai hay không?

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định: “Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý”.

Ông Tuấn nói điều đó có nghĩa là xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ ràng”, chứ không phải là không có căn cứ; “thực tiễn phát hiện là rất hiếm” chứ không phải là không có; và “có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu” nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu?

qh-tuan.jpg
ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu.

Đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong Luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

ĐB Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”.

Đồng thời, cần bổ sung quy định trong Luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Thảo luận ở hội trường cho thấy, còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm