Tại dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đề xuất “Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB". Theo đề xuất này, nước giải khát có đường là nguyên chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì nên cần phải áp thuế TTĐB để đẩy giá thành lên cao từ đó hạn chế tiêu dùng.
Đề xuất này được đánh giá là "cú sốc" mạnh tới ngành sản xuất nước giải khát, làm chậm quá trình phục hồi và tăng trưởng của ngành, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội.
Ảnh hưởng tới 337.000 hộ gia đình trồng mía
Đại diện một DN sản xuất nước giải khát cho biết, hiện chi phí đầu vào và nguyên liệu thô cho sản xuất của DN đã tăng cao hơn so với mức lạm phát. Các nhà máy sản xuất đang chịu giá đầu vào tăng 20-40% trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và giá bán không thể tăng.
“Lợi nhuận của chúng tôi đã mang ra gồng gánh duy trì sản xuất vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Nếu tiếp tục áp thuế Tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ phá sản”, vị này chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng đến 9.000 DN vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Và dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, vai trò của thuế TTĐB là công cụ giúp Nhà nước điều tiết sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định người tiêu dùng, hạn chế sản xuất và tiêu dùng những hàng hoá, dịch vụ không có lợi cho nền kinh tế.
Với đề xuất áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, ông Phụng băn khoăn: "Liệu có đạt được mục tiêu chính sách và thay đổi hành vi, điều tiết tiêu dùng?".
Nhìn nhận về chính sách, theo ông Phụng, thuế TTĐB tác động lớn tới kinh tế xã hội, tiềm ẩn nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; tác động lan tỏa đến các DN trong chuỗi cung ứng nước giải khát, các DN vừa và nhỏ…
Do đó, Bộ Tài chính cần cân nhắc những tác động lan tỏa đối với các DN trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường…), nhất là các DN nhỏ và vừa có khả năng tài chính hạn chế.
Cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra sắc thuế phù hợp
Ngoài những lo ngại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ doanh nghiệp, thì vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cơ sở khoa học của đề xuất này.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM khẳng định, đề xuất bổ sung đồ uống có đường theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn.
Bởi TCVN là tiêu chuẩn được sử dụng với những mặt hàng khuyến khích áp dụng. Vậy khi những mặt hàng khuyến khích áp dụng lại được đưa thành những mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế thì sẽ là một nội dung cần phải cân nhắc để xem có nên dựa vào TCVN để đánh thuế hay không.
Một điểm nữa, theo bà Thảo, TCVN còn được áp dụng cho một số mặt hàng có lợi cho sức khoẻ. Vậy nếu căn cứ vào TCVN để đánh thuế thì vô hình chung đang điều chỉnh cả những mặt hàng có lợi cho sức khoẻ như nước điện giải, nước uống thể thao…
“Khi chúng ta áp dụng và căn cứ vào TCVN như vậy thì đôi khi chúng ta lại vừa thừa và vừa thiếu, chúng ta không đảm bảo được sự công bằng khi bao trùm cả những mặt hàng có lợi”- Bà Thảo nêu quan điểm.
Do đó, bà Thảo cho rằng, Bộ Tài chính cần cân nhắc hơn, lựa chọn những sản phẩm phù hợp cũng như lựa chọn thời điểm đánh thuế, mức độ mở rộng đối tượng chịu thuế cũng như có những đánh giá tác động toàn diện, đề làm sao đảm bảo được mỗi sắc thuế ban hành sẽ cân đối được lợi ích và chi phí.
Cùng quan điểm này, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát (Hiệp hội Bia-rượu-Nước giải khát) Đỗ Thái Vương nhận định việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm đồ uống theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách.
Khi mà các sản phẩm khác đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước. Đồng thời khó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giúp tăng thu ngân sách.
Còn bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) nhận định, các DN nhất trí với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, song cần sửa đổi phù hợp, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Đơn cử, Chính phủ Đan Mạch đã bỏ thuế đồ uống có đường, bởi khi áp thuế, người Đan Mạch đã sang thị trường khác để mua nước giải khát với giá thấp hơn. Mặt khác, việc áp thuế này đã khiến Đan Mạch giảm 5.000 việc làm.
Hay tại Nauy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt này được thực hiện từ năm 1981, nhưng không đem lại hiệu quả, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi.