Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều mặt hàng, cao nhất có thể tới 100%

(PLO)- Sau khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% (theo phương án 1) và 20% (theo phương án 2) so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng tiếp 2 - 3%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự kiến, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2025.

Theo dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030, mức cao nhất có thể lên tới 100%.

Hiện mức thuế với rượu dưới 20 độ là 35%, rượu trên 20 độ và bia là 65%, mức thuế này áp dụng với cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

thuế tiêu thụ đặc biệt
Mặt hàng bia có thể phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 100% vào năm 2030. Ảnh: Minh Trúc

Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia.

Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.

Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030.

Tương tự, mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế TTĐB giống với mặt hàng bia.

Với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính đề xuất phương án 1 tăng từ mức thuế 35% hiện hành lên 40% năm 2026 và mỗi năm tăng 5% đến 60% năm 2030 còn phương án 2 tăng từ mức 35% hiện hành lên 50% năm 2026, mỗi năm tăng thêm 5% và lên đến 70% vào năm 2030.

Lý giải về đề xuất này Bộ Tài chính cho biết trước ngày 1-1-2010, thuế TTĐB đối với bia được phân biệt theo loại bia: Bia chai, bia lon áp dụng các mức thuế suất 75% đối với bia chai; bia tươi, bia hơi áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% từ năm 2008.

Để thực hiện yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1-1-2010 đến 31-12-2012 và 50% từ ngày 1-1-2013 và đến năm 2014 tiếp tục tăng theo lộ trình lên mức hiện hành là 35% đối với rượu dưới 20 độ và 65% với bia, rượu trên 20 độ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Đồng thời, chưa thực hiện được một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế TTĐB nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường.

Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất lộ trình tăng thuế với các mặt hàng bia, rượu trong dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi). Sau khi tăng thuế, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% (theo phương án 1) và 20% (theo phương án 2) so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

Theo Bộ Tài chính, áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia. Thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ, hạn chế lạm dụng sản phẩm này.

Trước đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và một số doanh nghiệp đã bày tỏ kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế TTĐB theo đề xuất của Bộ Tài chính. Theo các doanh nghiệp, dịch COVID-19 và việc áp dụng Nghị định 100 đã khiến doanh thu ngành bia, rượu sụt giảm nặng nề.

Năm 2023, doanh thu ngành bia giảm 11%, lợi nhuận sụt 23%. Do đó, VBA đề xuất nên lùi thời điểm áp dụng tăng thuế TTĐB với ngành bia rượu để doanh nghiệp có nguồn lực vượt qua khó khăn, qua đó đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài rượu, bia, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức thuế và mở rộng nhóm hàng hóa chịu sắc thuế này, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, dự thảo quy định rõ thuốc lá chịu thuế gồm thuốc lá điếu, sợi, xì gà, thuốc lào hoặc các dạng khác. Trước mắt, thuế suất với thuốc lá sẽ giữ ở 75% nhưng tuỳ mặt hàng sẽ được bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần.

Cụ thể, từ 2026-2030, mức thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu sẽ tăng dần từ 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà từ 50.000-100.000 đồng một điếu; các loại thuốc lá sợi, chế phẩm từ cây thuốc lá tăng từ 50.000-100.000 đồng mỗi 100gr/ml.

Theo Bộ Tài chính, quy định trên sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 42,7% (năm 2022) về 38,6% vào năm 2030. Ngân sách thu với thuốc lá sẽ tăng lên 39.200 tỷ đồng vào 2030, gấp 2,2 lần so với năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm