Sáng nay, ngày 5-7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Nước giải khát có đường lo ngại suy giảm sản lượng
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh việc hiện nay các DN đang gặp khó khăn, môi trường kinh doanh chậm chuyển biến.
Trong bối cảnh đấy, nếu mở rộng đối tượng chịu thuế tới cả đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn như đề xuất chính sách của Bộ Tài chính thì sẽ bổ sung thêm tác động tiêu cực tới hoạt động của DN sản xuất, kinh doanh ngành hàng này, khó nuôi dưỡng nguồn thu của ngân sách, trong khi kích thích buôn lậu.
Theo bà Thảo, việc tăng thuế TTĐB lên 10% dự báo sẽ làm sụt giảm sản lượng khoảng 3.159,5 tỷ đồng, thu nhập người lao động sẽ giảm theo.
Đồng tình với bà Thảo, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN nhận định, việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường có thể giúp tăng ngân sách nhà nước khoảng 2.279 tỷ đồng song ngược lại sẽ làm giảm doanh thu và sản lượng ngành nước giải khát, mía đường dẫn tới tổng ảnh hưởng là 880,4 tỷ đồng.
Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN nêu ý kiến tại Hội thảo |
Dù Bộ Tài chính nêu mục đích của việc đưa nước giải khát có đường vào diện áp dụng thuế TTĐB là để giảm tình trạng thừa cân, béo phì, bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng theo ông Thành, kinh nghiệm từ 45 quốc gia áp dụng chính sách này đều chưa thấy hiệu quả như mong muốn.
Vậy nên, Chính phủ cần xem xét các tác động của chính sách đối với không chỉ ngành nước giải khát mà phải tính đến anh hưởng lan tỏa đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía đường, bán lẻ, bao bì, hậu cần. Đó là chưa kể hàng vạn lao động trong chuỗi giá trị của DN, ảnh hưởng tới 9 nghìn DN vừa và nhỏ cùng một triệu hộ kinh doanh sản phẩm.
Chia sẻ thêm về quan điểm này, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – NGK (VBA) cho hay, các DN chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép từ nhiều chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Vì vậy, theo vị này, nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của DN và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Doanh nghiệp game lo suy yếu, sụp đổ
Tại hội thảo, các DN ngành game cũng đưa ra nhiều ý kiến cho rằng nếu thuế TTĐB này được áp dụng sẽ khiến ngành game suy yếu, thậm chí sụp đổ.
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến (VNGGames) khẳng định ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số.
Bản chất của trò chơi điện tử trực tuyến nói chung là sáng tạo nội dung trên môi trường Internet để phục vụ cho nhu cầu giải trí, vậy nên được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí, như phim ảnh, ca nhạc...
Bản thân kinh doanh game là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung. Game khi đưa ra thị trường luôn phân loại độ tuổi rõ ràng và khuyến cáo người dùng.
Vấn đề của ngành game không đến từ DN trong nước, bởi hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép, vốn nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chuyên ngành, và không đóng góp đồng thuế nào cho ngân sách.
Bản thân các DN game nội địa đã phải cạnh tranh không lành mạnh với những DN ngoại nằm ngoài khả năng quản lý của cơ quan chức năng. Trong môi trường khó khăn đó, đến nay chỉ còn khoảng 15% số DN game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động.
Nay theo đề xuất chính sách của Bộ Tài chính, chồng thêm thuế TTĐB với sản phẩm game thì DN Việt sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà, bỏ lại sân chơi cho các sản phẩm lậu, không phép.
“Để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu, thậm chí sụp đổ thì rất đáng tiếc. Như vậy là đi ngược lại chủ trương phát triển về công nghiệp số, kinh tế số, mà ở đó game là ngành mà Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng”, Giám đốc VNGGames nhìn nhận.