Bán hàng siêu nhanh, rẻ: Vì sao công ty Trung Quốc làm được, còn công ty Việt than thở?

(PLO)- Theo thống kê gần đây, trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn thương mại điện tử thì chỉ 1 doanh nghiệp nội địa, nhưng lại nằm cuối cùng trong danh sách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin này được ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra tại hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" diễn ra vào chiều 20-11 tại TP.HCM. Sự kiện do báo Tuổi trẻ phối hợp cùng VECOM tổ chức.

Tận dụng công nghệ để phát triển

Với số liệu trên, ông Đức cho rằng, hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu quốc tế, nhưng không có nghĩa là hết cửa cho hàng nội địa, bởi thực tế chúng ta vẫn sở hữu những lợi thế mà doanh nghiệp nước ngoài khó khai thác được. Đơn cử như sự am hiểu thị trường bản địa, chăm sóc hậu mãi….

Để duy trì lợi thế, ông Đức cho rằng, cần chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng hiệu suất kinh doanh và giảm chi phí chi trả cho nhân sự.

“Các doanh nghiệp có thể sử dụng nhân viên AI để thực hiện các phiên livestream, hay chăm sóc khách hàng. Tôi xin nói rằng 1 AI có thể xử lý 10.000 nhu cầu khác nhau của người dùng cùng lúc, điều mà con người khó làm được.

Dĩ nhiên nói như vậy không phải là AI có thể thay thế con người, nhưng tận dụng tốt, chúng sẽ giúp giảm được kha khá chi phí nhân sự cho khâu bán hàng, hậu mãi”- ông Đức nói.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM cũng đánh giá, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà bán hàng vượt qua rào cản để bán hàng xuyên quốc gia.

“Công nghệ giúp chúng ta vượt qua rào cản ngôn ngữ. Ở Trung Quốc, nhờ phần mềm chuyển giọng, một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia, với 40 ngôn ngữ, giọng điệu rất địa phương. Do đó, nếu chúng ta tận dụng tốt công nghệ cũng sẽ dễ giành thắng lợi”- ông Hùng nói.

Cũng theo vị này, khi các nền tảng TMĐT ngoại giá rẻ vào Việt Nam, nhà bán hàng nhìn thấy nhiều thách thức, thấy "hàng nhiều quá chúng tôi cạnh tranh không lại", “thời gian giao hàng quá nhanh”, còn với người tiêu dùng thì lại lo bảo mật thông tin... nhưng cũng phải đặt câu hỏi ngược lại: Vì sao họ làm được như vậy?

"Tôi đã thử đặt 1 đơn hàng từ Trung Quốc và thấy chỉ mất nửa giờ để đóng gói, mất 2 tiếng để thông quan và ngay hôm sau đã bắt đầu giao cho mình. Điều này là nhờ vào hệ thống công nghệ hiện đại ngay từ khâu đầu vào sản phẩm. Nói vậy để thấy thêm một điều rằng phát triển logistics là rất quan trọng”- ông Hùng nói.

thương mại điện tử
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo trong chiều 20-11. ẢNH: THU HÀ

Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (TLS) cũng bày tỏ, dù các doanh nghiệp Việt vẫn đáp ứng tốt các dịch vụ trong nội địa, nhưng để nhanh và rẻ như Trung Quốc thì vẫn cần những bước đột phá về cả quy trình lẫn công nghệ, cũng như tính liên kết ngành.

Nghiêm túc hơn với kinh doanh online

Nhìn nhận về sự hiện diện của hàng Việt trên các sàn TMĐT, ông Trần Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho rằng, chưa bao giờ hàng Việt lại được tiếp sức nhiều trên môi trường TMĐT đến vậy. Đến cả doanh nghiệp nước ngoài còn cảm thấy tủi thân vì sự hỗ trợ "nồng nhiệt" này.

“Như vậy, đã đến lúc chúng ta đặt câu hỏi ngược lại, vậy doanh nghiệp Việt đã tận dụng hết sự hỗ trợ này chưa, đưa sản phẩm Việt lên các nền tảng online chưa, lên rồi thì làm chưa, và làm tới đâu?”- ông Bảo đặt câu hỏi và cho rằng, bán hàng trên các nền tảng TMĐT cần làm thật, làm kiên trì và nghiêm túc.

Vị lãnh đạo của Kido cũng đưa ra đề xuất, phát triển mô hình hợp tác xã online cho các ngành nghề. Đồng thời tăng cường sự nhận diện thương hiệu Việt trên online, như cách chúng ta đang tạo ra chỉ dấu cho hàng Việt ở kênh offline.

Tiếp lời, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty Meet More, đơn vị tiên phong đưa nông sản vào chế biến sâu, đồng tình và cho biết, đẩy mạnh sản phẩm và có chính sách hỗ trợ phát triển riêng cho sản phẩm OCOP - một chỉ dấu đặc trưng của hàng Việt. Sự hỗ trợ này cần được chú trọng trên các nền tảng TMĐT, tại các khu sân bay, khu du lịch đông người….

Ở góc độ KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng), Diệp Lê và Huyền Phi cho biết, đã đến lúc nông dân, người bán hàng cần thay đổi tâm thế bán hàng, tận dụng công nghệ, bán hàng và livestream có bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Có sáng kiến, giải pháp hãy trao đổi với Sở Công Thương.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương, để tiếp sức hàng Việt, cần nhiều khâu từ quảng bá, cạnh tranh bình đẳng, thương mại điện tử tốt, bảo hộ... "Các đơn vị, doanh nghiệp thấy có sáng kiến, giải pháp nào có tính khả thi cao thì trao đổi với chúng tôi, chúng tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ, báo cáo TP cho chủ trương thực hiện"- ông Phương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm