Theo thống kê nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn, trong một tháng tính từ ngày 6-8 tới ngày 5-9 (tức mùng 3-7 đến ngày ngày 3-8 âm lịch), đã có hơn 59 tỉ đồng thu về từ việc bán bánh trung thu trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop.
Doanh thu online tăng trưởng
So với cùng kỳ năm 2023, doanh thu đã tăng tới hơn 103%, bất chấp số lượng nhà bán giảm gần 17%. Tỉ lệ thuận với doanh thu là số lượng sản phẩm được giao thành công cũng tăng hơn 184%, đạt mức gần 598.000 đơn vị sản phẩm.
Thị trường cũng chứng kiến, số số nhà bán chính hãng, các thương hiệu tham gia kinh doanh online tăng đáng kể, từ mức 41% trong năm 2023 lên 54,5% trong năm 2024.
Nếu không tính các phiên bán hàng livestream vốn là thế mạnh của TikTok Shop thì trên Shopee, Lazada, Tiki, các thương hiệu Kinh Đô, Givral, Tân Dân Lợi (thương hiệu đến từ Bến Tre) là ba cái tên có doanh thu trên 1 tỉ đồng/tháng. Trong đó Kinh Đô là thương hiệu đạt 7,3 tỉ đồng/tháng.
Đối với kênh bán TikTok Shop, hầu hết các thương hiệu đều bán thông qua livestream nên doanh thu và sản lượng bán ra tạm thời chưa thể ghi nhận. Dù vậy, sức hút của TikTok Shop lại rất lớn, khi đều đặn mỗi tối hàng ngày nhiều thương hiệu như Kinh Đô, Kido… lại livestream bán sản phẩm bánh trung thu với nhiều ưu đãi đến từ nhãn hàng lẫn TikTok.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, ngoài những kênh thương mại điện tử và ứng dụng giao hàng nhanh, đơn vị này đang đẩy mạnh kinh doanh bánh trung thu trên TikTok Shop.
Ông Nguyên nhìn nhận đây không chỉ công cụ quảng bá sản phẩm với mức độ lan tỏa nhanh chóng mà còn là nơi thực hiện livestream bán hàng trong suốt mùa vụ, với sự hỗ trợ voucher từ TikTok.
Điều này có thể thấy, kênh bán hàng trung thu đang dần 'trẻ hóa' để hợp thời với xu hướng số hóa của người tiêu dùng. Dù vậy theo các đơn vị sản xuất và phân phối, kênh bán truyền thống B2C (bán lẻ) và B2B (bán sỉ) vẫn là phương thức không thể thiếu và đang đóng góp cơ cấu doanh thu lớn.
Bán lẻ truyền thống vẫn có khách
Khác với online, nhiều ngày qua kênh bán lẻ truyền thống đang chứng kiến xu hướng giảm giá ở nhiều quầy, sạp, lẫn siêu thị.
Dọc các con đường tại TP.HCM, hầu hết các điểm bán bánh trung thu lưu động đều treo biển quảng cáo giảm giá 50%, hoặc "mua 1 tặng 1", "mua 1 tặng 3 được 4"... để thu hút người dùng và tránh hàng tồn kéo dài.
Ghi nhận một điểm bán trên góc đường Quang Trung và Tân Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM, chị Phương nhân viên bán hàng cho biết, từ đầu mùa, quầy chị đã chủ động giảm số lượng bánh nhập về, để tránh ôm đồm hàng.
“Năm nay, các thương hiệu đều tập trung ở phân khúc bình dân, sức mua cũng rải rác, bán chậm nhưng ngày nào cũng có khách. Nhiều mã bánh bán tốt, một số mã phân khúc tầm trung của Kinh Đô, Đại Phát, … đã gần hết hàng. Nhưng cũng có mã bánh thì ế. Nhìn chung, tới thời điểm hiện tại dù không đạt như kỳ vọng nhưng không tới mức lỗ vốn”- chị Phương nói.
Nói thêm về mức giảm "mua 1 tặng 3" đang treo tại cửa hàng, chị Phương cho biết chỉ áp dụng cho một số thương hiệu như Đồng Khánh và tặng bánh có trọng lượng nhỏ hơn bánh đã mua, hoặc giảm 50.000 – 70.000 đồng/hộp đối với Hữu Nghị, Bibica…
Trong khi các thương hiệu Kinh Đô, Như Lan thường bán theo đúng giá niêm yết, vì nhà sản xuất có chính sách thu hồi bánh nếu cuối mùa chưa bán hết.
Tương tự, tại một quầy bán bánh trung thu tại ngã tư đường An Dương Vương - Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM), Anh Nhân- chủ quầy cũng thừa nhận việc giảm giá chỉ áp dụng cho một số thương hiệu như: Song Long Đồng Khánh, Đồng Khánh Bông lúa vàng, Tân Hoa Viên… Các thương hiệu lớn còn lại thường sẽ giữ giá đến cuối mùa, chỉ khách mua số lượng nhiều mới được chiết khấu theo giá sỉ.
Cũng theo anh Nhân, năm nay các nhà bán lẻ bị áp lực bởi xu hướng nhãn hàng bán hàng livestream, cùng với nhiều thương hiệu bánh nhập khẩu giá rẻ. Do đó khách mua lẻ để ăn không nhiều như các năm trước.
“Tuy bánh còn nhiều, sức mua còn chậm, rải rác nhưng tôi vẫn kỳ vọng tuần cuối của mùa trung thu sẽ bứt phá”- anh Nhân kỳ vọng.