Rủi ro địa chính trị bủa vây kinh tế toàn cầu 2024

(PLO)- Xung đột, bầu cử là những yếu tố chứa đựng rủi ro địa chính trị bất định ảnh hưởng khó đoán tới nền kinh tế toàn cầu năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các cuộc tấn công trên biển Đỏ của một nhóm vũ trang Hồi giáo Houthis tại Yemen, hệ quả trực tiếp từ căng thẳng Israel-Hamas tại Gaza, đang gây thêm nhiều bất ổn cho kinh tế toàn cầu vốn đã chật vật từ trước đó với căng thẳng địa chính trị.

Căng thẳng địa chính trị

Đây chỉ là diễn biến mới nhất trong chuỗi một loạt cuộc khủng hoảng trước đó, mà lớn nhất là đại dịch COVID-19, rồi xung đột Nga-Ukraine, đang tiếp tục tạo ra nhiều sức ép lên kinh tế toàn cầu, khiến cho tăng trưởng suy giảm và để lại nhiều “vết sẹo”.

Hai cuộc chiến, 50 cuộc bầu cử, rủi ro địa chính trị bủa vây kinh tế toàn cầu 2024
Biến động giá vàng thế giới 2023 cho thấy kinh tế toàn cầu nhạy cảm như thế nào trước các yếu tố rủi ro địa chính trị.

Năm 2024, hàng loạt cuộc bầu cử trên thế giới sẽ diễn ra và có khả năng sẽ gây thêm những ảnh hưởng sâu sắc và kéo dài. Hàng tỉ người tại hơn 50 quốc gia, trong đó có các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Mỹ cũng như hơn 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia các cuộc bầu cử. Các nền kinh tế này có quy mô khoảng 60% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

Việc đảng nào thắng trong các cuộc bầu cử sẽ quyết định những chính sách kinh tế quan trọng, từ trợ cấp cho các nhà máy, giãn thuế, chuyển giao công nghệ, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rào cản thương mại, đầu tư, giãn nợ và chuyển dịch năng lượng.

Nếu như phe dân túy thắng cử, chính phủ nhiều nước có thể sẽ siết chặt chính sách thương mại, đầu tư và nhập cư nước ngoài. Bà Diane Coyle, giáo sư ngành chính sách công tại đại học Cambridge (Anh), nhận định diễn biến ấy nếu xảy ra có thể sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào một thế giới “khác rất nhiều” so với trải nghiệm chúng ta đang có.

Tại nhiều nơi, tâm lý hoài nghi về kinh tế toàn cầu hóa đặc biệt dâng cao khi mà thu nhập người dân giảm đi, chất lượng cuộc sống sa sút cũng như bất bình đẳng gia tăng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã so sánh những diễn biến gần đây với những gì từng xảy ra trong thập niên 1970. Tuy nhiên, GS Coyle cho rằng nên so sánh với thập niên 1930 khi mà biến động chính trị cũng như các yếu tố mất cân bằng tài chính dẫn đến chủ nghĩa dân túy. Kết quả là thương mại sụt giảm và các chính sách cực đoan được áp dụng.

Hai cuộc chiến, 50 cuộc bầu cử, rủi ro địa chính trị bủa vây kinh tế toàn cầu 2024
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 là sự kiện chứa đựng những rủi ro khó đoán định sẽ tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP.

Tâm lý dè chừng trước các cuộc bầu cử

Ấn Độ bước vào mùa bầu cử khi đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và đang trong quá trình cạnh tranh với Trung Quốc (TQ) để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Tại Mexico, kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định cách tiếp cận của chính phủ Nam Mỹ này với vấn đề năng lượng và đầu tư nước ngoài. Còn tại Indonesia, việc ai lên làm tổng thống sẽ có thể ảnh hưởng đến chính sách tài nguyên.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đương nhiên sẽ quan trọng nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến kinh tế toàn cầu. Không đợi kết quả đảng nào lên nắm quyền, ngay từ bây giờ, quá trình hoạch định chính sách đã phải chịu những tác động nhất định. Mới tuần trước, Washington và Brussels đã đồng ý hoãn việc áp dụng một số loại thuế đánh vào sản phẩm thép và nhôm châu Âu cũng như rượu whiskey cũng như xe mô tô của Mỹ cho đến sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc.

Thỏa thuận này đã giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể ra quan điểm cứng rắn với các thỏa thuận thương mại trong nỗ lực giành phiếu cử tri. Cựu Tổng thống Donald Trump, người có thể trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, đã khẳng định ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại cũng như áp thuế đến 10% với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ - một động thái có thể khiến cho chính phủ nhiều nước khác trả đũa.

Ngay từ bây giờ, ông Donald Trump đã khẳng định ông sẽ ngừng hợp tác với châu Âu, rút đi sự ủng hộ dành cho Ukraine và theo đuổi lập trường đối đầu với TQ.

Công ty tư vấn EY - Parthenon trong báo cáo nghiên cứu gần đây nhấn mạnh: “Kết quả các cuộc bầu cử sẽ có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng rất lớn trong chính sách nội địa và ngoại giao, trong đó có thể kể đến biến đổi khí hậu, quản lý các liên minh quốc tế”.

Hai cuộc chiến, 50 cuộc bầu cử, rủi ro địa chính trị bủa vây kinh tế toàn cầu 2024
Cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 3 tiếp tục là rủi ro cho khả năng phục hồi kinh tế thế giới.

Triển vọng trái chiều

Tăng trưởng kinh tế tại phần lớn các khu vực của thế giới hiện vẫn đang ở mức thấp. Ngoài ra, nhiều nền kinh tế đang phát triển thậm chí đang đương đầu với rủi ro vỡ nợ.

Nếu nhìn từ góc độ tích cực, lạm phát giảm nhanh đang khiến các ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc ít nhất ngừng tăng lãi suất. Chi phí lãi vay giảm đi giúp thúc đẩy đầu tư và mua nhà.

Tuy nhiên, khi thế giới đang dịch chuyển theo hướng có nhiều xung đột hơn, các mối lo an ninh nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế lớn hơn so với hiện nay.

TQ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng mua dầu, khí đốt và than đá sau khi châu Âu giảm mạnh để phản ứng với căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.

Cùng lúc đó, căng thẳng TQ-Mỹ khiến cho Washington phản ứng với chính sách hỗ trợ mạnh tay của Bắc Kinh với các ngành công nghiệp bằng các chương trình trợ cấp dồi dào dành cho xe điện, sản phẩm bán dẫn và nhiều loại hàng hóa vốn được đánh giá có tầm quan trọng lớn với an ninh quốc gia.

Bất ổn còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu theo cách mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn: chờ đợi trong các quyết định đầu tư, mở rộng và tuyển dụng.

Một cuộc khảo sát mới đây bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra rằng bất ổn gia tăng trong các mối quan hệ địa chính trị cũng như địa kinh tế giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới là mối lo lớn nhất với cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư.

Xung đột quân sự dai dẳng, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như việc có quá nhiều cuộc bầu cử, nhiều khả năng sẽ ghi dấu ấn 2024 là năm của rất nhiều biến động.

Theo NYT, Aljazeera

NYT, Aljazeera

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm