Kinh tế thế giới 2023: Ảm đạm nhưng vẫn có điểm sáng

(PLO)- Giới quan sát đánh giá dù đối mặt nhiều thách thức kinh tế thế giới 2023 vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo Tình hình kinh tế thế giới 2023 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện cho thấy dù trải qua nhiều thử thách như lạm phát dai dẳng, giá cả hàng tiêu dùng và năng lượng biến động, các cuộc xung đột vũ trang làm gián đoạn chuỗi cung ứng..., song kinh tế thế giới 2023 vẫn có những điểm sáng đáng chú ý.

Kinh tế thế giới vượt ải 2023 thành công

Theo báo cáo của IMF, kinh tế thế giới 2023 vẫn chưa khôi phục về mức trước đại dịch COVID-19. Cơ quan này dự đoán rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung của thế giới năm nay sẽ tăng 3,3%-3,5% (thấp hơn mức trung bình 3,8% của giai đoạn 2000-2019). Trong khi đó, lạm phát trung bình của thế giới vẫn ở mức cao 5,9%, dù giảm đáng kể so với mức 9,2% của năm 2022.

“Kinh tế thế giới 2023 chật vật vì những ảnh hưởng từ xung đột và cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị” - Giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định.

Theo IMF, nguyên nhân khiến kinh tế thế giới có phần chững lại vì trong năm qua ngân hàng trung ương tại các nước phát triển đồng loạt tăng lãi suất kìm hãm lạm phát, khiến chi phí vay tăng cao và làm các doanh nghiệp “e dè” trong đầu tư.

Kinh tế thế giới 2023.png
Bất chấp tình hình ảm đạm, kinh tế thế giới 2023 vẫn có một số điểm sáng. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngoài ra, các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas (phong trào vũ trang Hồi giáo kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine) đã ảnh hưởng thị trường lương thực và nguồn cung năng lượng trên thị trường thế giới, khiến giá các loại mặt hàng này tăng cao. IMF ước tính chỉ riêng năm 2023 chiến sự Nga-Ukraine làm thiệt hại khoảng 0,4% GDP của thế giới.

Bên cạnh đó, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu gây các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán... ảnh hưởng năng suất cây trồng, hoạt động sản xuất tại nhiều nước cũng như gây nhiều thiệt hại về người và của.

Theo IMF, dù tăng trưởng có phần chậm lại, nhưng nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước và các tổ chức kinh tế, nền kinh tế thế giới 2023 đã tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái.

Thành tựu kinh tế nổi bật

Năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã vượt qua những thách thức này và trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu.

Giữa tháng 3, hai ngân hàng lớn của Mỹ là Signature Bank (SB) và Silicon Valley Bank (SVB) bất ngờ sụp đổ. Sự kiện này đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng tài chính. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất liên tục trong năm qua cũng đã kìm hãm giới đầu tư. Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ khó tránh khỏi suy thoái trong năm nay.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong những tháng cuối năm 2023. Tăng trưởng GDP quý III-2023 của Mỹ đạt mức 4,9%, cao nhất trong hai năm qua. Tỉ lệ lạm phát cũng dần được kiểm soát, ở mức 3,1% trong tháng 11. Thị trường việc làm và giá cả tiêu dùng cũng dần ổn định.

Một điểm sáng nữa trong kinh tế toàn cầu 2023 là việc châu Á vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định trong năm qua, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này dự kiến đạt 4,9% trong năm 2023, cao hơn mức 4,7% của năm ngoái.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và đà tăng trưởng của Ấn Độ là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn so với mức 3% hồi 2022. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 - là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm.

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đang cho thấy những tín hiệu tích cực, Indonesia dự kiến sẽ tăng trưởng 5,1% và Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7%.

Khó khăn vẫn bủa vây châu Âu

Theo hãng tin AFP, 2023 là một năm đầy thách thức với kinh tế châu Âu. Xung đột Nga-Ukraine khiến chuỗi cung ứng rối loạn, giá năng lượng tăng cao, và khiến các doanh nghiệp châu Âu gặp khó trong việc nhập nguyên liệu, hàng hóa. Trong năm qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát, khiến giá cả tiêu dùng tăng cao và sức mua của người dân giảm mạnh.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2023 sẽ ở mức 0,6%, giảm mạnh so với mức 3,1% trong năm 2022.

Theo AFP, lãi suất của Eurozone hiện ở mức 4,5%, trong khi đó lạm phát là 2,4%. Giới quan sát cho rằng việc duy trì lãi suất cao để kìm hãm lạm phát sẽ là “con dao 2 lưỡi” đối với kinh tế châu Âu. Vì tăng lãi suất dù có thể giúp kiểm soát lạm phát nhưng cũng sẽ khiến các doanh nghiệp chịu sức ép lớn trước các khoản vay đầu tư.

“Lãi suất của Eurozone giống như người đi trên lớp băng mỏng, đi nhanh quá hay chậm quá sẽ rất nguy hiểm. Giải pháp cho khối trong thời điểm này là tìm ra một chính sách lãi suất phù hợp để kiềm chế lạm phát mà không làm suy thoái nền kinh tế” - nhà kinh tế học Rory Fennessy tại Viện Nghiên cứu kinh tế Oxford Economics (Anh) nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm