Nhận diện cơ hội kinh tế Việt - Nhật thời gian tới

(PLO)- Dư địa hợp tác rộng mở là từ khóa mấu chốt sau khi hai bên Việt - Nhật nhất trí nâng cấp quan hệ song phương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc hai nước Việt - Nhật nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” là cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho hai bên tăng cường kết nối kinh tế sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS Kaoru Nabeshima về những cơ hội mới mà hai bên có thể hợp tác, cũng như mách nước giúp Việt Nam (VN) đón hiệu quả dòng đầu tư từ Nhật. GS Kaoru Nabeshima làm việc tại khoa Nghiên cứu và giáo dục quốc tế, ĐH Waseda (Nhật), từng là thành viên nhóm nghiên cứu phát triển Ngân hàng Thế giới (WB).

Gần 50 tỉ USD là kim ngạch thương mại song phương Việt - Nhật trong năm 2022. Nhật còn là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba và là đối tác thương mại lớn thứ tư của VN.

Nhiều dư địa hợp tác hạ tầng, bán dẫn

. Phóng viên: Hai nước Việt - Nhật đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, theo ông, việc nâng cấp này tạo khác biệt hay cơ hội mới thế nào với quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế?

GS Kaoru Nabeshima.jpeg

+ GS Kaoru Nabeshima: Từ nghiên cứu của tôi, rõ ràng có sự khác biệt trong các quy định giữa hai nước và điều này có tác động tiêu cực đáng kể đến thương mại. Chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng những khác biệt này cũng sẽ tác động tiêu cực đến việc tham gia và đầu tư vào chuỗi cung ứng tới đây.

Tôi nghĩ rằng cả hai nước sẽ tích cực theo đuổi các mối quan hệ kinh tế “sâu sắc hơn” và không nên chỉ dừng lại ở việc cắt giảm thuế quan, khuyến khích đầu tư. Cụ thể, tôi ủng hộ việc tập trung làm hài hòa hoặc thừa nhận lẫn nhau các quy định và tiêu chuẩn giữa hai quốc gia.

. Ông nhận định thế nào về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng giữa hai nước trong thời gian tới? Có thách thức hay trở ngại gì không?

+ Tôi nghĩ có nhiều cơ hội lớn cho cả hai bên trong việc tăng cường hợp tác ở lĩnh vực chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng. Căn cứ vào bối cảnh toàn cầu hiện nay, việc tạo ra chuỗi cung ứng bền vững là một vấn đề cấp thiết đối với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành bán dẫn. VN là đối tượng rất phù hợp cho mục đích này và sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Nhật và VN trong lĩnh vực này cũng đầy hứa hẹn.

Về cơ sở hạ tầng, có hai lĩnh vực hợp tác mà VN và Nhật có thể chú trọng đẩy mạnh, đó là cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ và cơ sở hạ tầng năng lượng. Một trong những mối quan ngại của các nhà đầu tư Nhật vào VN là chi phí vận tải đường bộ tương đối cao, do đó cần đầu tư thêm vào hạng mục này (nhằm giúp giảm thiểu chi phí vận tải).

Về cơ sở hạ tầng năng lượng, VN phải đối mặt với thách thức kép là phải tăng nguồn cung năng lượng, đồng thời phải chuyển đổi sang các giải pháp thay thế xanh hơn. Khả năng cung cấp “năng lượng xanh” ngày càng trở nên quan trọng vì một số công ty trong chuỗi cung ứng đang bắt buộc sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Do đó, việc tập trung vào cả hai bài toán tăng cường nguồn cung năng lượng và thúc đẩy tính bền vững của các nguồn năng lượng là rất quan trọng cho sự hợp tác trong tương lai giữa VN và Nhật.

Anh bai chinh P16 dang 30-11-2023-Hợp tác kinh tế Việt - Nhật.png
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm (giữa) hội kiến Nhà vua Naruhito cùng Hoàng hậu Nhật Masako vào chiều tối 28-11. Ảnh: TTXVN

Mách nước đón đầu tư hiệu quả

. Theo giáo sư, VN có thể làm gì để thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư từ Nhật?

+ Rõ ràng là VN hiện vẫn phải đối mặt với những thách thức dai dẳng, đó là tình trạng thiếu lao động có tay nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật, cũng như các vấn đề về cơ sở hạ tầng đường bộ và hạ tầng năng lượng.

Việc phát triển kỹ năng cần có thời gian nên đây là điều cần được chú trọng giải quyết ngay bây giờ, vì phải tốn rất nhiều thời gian để đào tạo và cung cấp các kỹ năng cần thiết cho lao động. Theo tôi, đây là những vấn đề cơ bản, nếu không giải quyết được những vấn đề này thì các sáng kiến hợp tác dù nghe có vẻ hấp dẫn đến đâu cũng sẽ không mang lại kết quả như mong đợi.

. Ông cho rằng đâu là điểm mấu chốt để tăng cường thu hút ODA và đưa VN trở thành “cứ điểm” chuỗi sản xuất của Nhật? Các lĩnh vực nào là lĩnh vực tiềm năng để chú trọng phát triển nhằm đạt được mục tiêu này?

+ Như tôi đề cập ở trên, lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng rõ ràng là những “điều kiện cần” cho sự tăng trưởng bền vững. Gọi là “điều kiện cần” bởi vì chúng tuyệt đối cần thiết, là yếu tố nền tảng ban đầu để đạt được sự tăng trưởng, mặc dù sự hiện diện của chúng không đảm bảo điều đó. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các “điều kiện cần” này chắc chắn sẽ cản trở đáng kể sự tăng trưởng. Vì vậy, đây nên là những lĩnh vực ưu tiên mà VN cần tập trung.

Đáng chú ý là Nhật có bề dày thành tích về hoạt động và chuyên môn trong các lĩnh vực này, đặc biệt là thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Vì vậy, tôi cho rằng sự liên kết giữa nhu cầu của VN và năng lực cung cấp ODA của Nhật là một sự kết hợp hoàn hảo.

. Theo ông, đối với Nhật, lao động VN và các doanh nghiệp VN có vai trò thế nào? Phía Nhật cần làm gì để tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế song phương trong thời gian tới?

+ Theo tôi, nhiều doanh nghiệp Nhật coi VN là ứng cử viên hàng đầu cho chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay trong khu vực.

Tôi tin rằng việc thúc đẩy hợp tác giữa VN và Nhật sẽ mang lại lợi ích chung cho cả hai bên, góp phần thúc đẩy nỗ lực hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực. Theo đó, các sáng kiến như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) và các sáng kiến khác có thể được khai thác hiệu quả để thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn.

Bằng cách hợp tác cùng nhau thông qua các khuôn khổ này, cả VN và Nhật đều có thể tối đa hóa lợi ích và đóng góp vào một nền kinh tế khu vực liên kết, mạnh mẽ hơn.•

Truyền thông Nhật đưa tin đậm chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Ngày 28-11, tờ Japan Times đưa tin về việc VN và Nhật nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, đưa Tokyo trở thành một trong những đối tác hàng đầu của nước ta, cùng với Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Japan Times dẫn tuyên bố chung cho biết hai bên cam kết sẽ tăng cường hợp tác lên “tầm cao mới” và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như an ninh kinh tế, năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số, giao lưu nhân dân và an ninh khu vực.

hãng tin The Japan News dẫn lời Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro rằng “tăng cường sự thấu hiểu lẫn nhau và xây dựng lòng tin là nền tảng trong quan hệ Việt - Nhật”.

Ngoài ra, các hãng tin khác của Nhật như Nikkei Asia, Jiji Press, The Mainichi... cũng đồng loạt đưa tin đậm nét về chuyến thăm và việc hai nước nâng cấp quan hệ đối tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm