Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã kéo dài hơn 50 ngày. Cuộc xung đột đã khiến hơn 15.000 người dân ở Dải Gaza thiệt mạng, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tại khu vực này.
Trong khi đó, nềnkinh tế Israel cũng đang chịu những tác động lớn từ cuộc xung đột. Xung đột càng kéo dài đồng nghĩa với việc chính phủ Israel phải tăng thêm chi tiêu cho quốc phòng. Xung đột cũng khiến người lao động mất việc.
Theo tờ The Times of Israel, cuộc xung đột đang diễn ra có thể khiến nền kinh tế Israel thiệt hại tới 54 tỉ USD. Các cơ quan trung ương của Israel và nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo xung đột sẽ khiến nền kinh tế Israel tăng trưởng chậm lại.
Xung đột tác động mạnh đến kinh tế Israel
Theo báo cáo của cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody's vào ngày 20-11, xung đột Israel-Hamas khiến Israel thiệt hại ít nhất 269 triệu USD/ngày. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết xung đột có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Israel nhiều hơn so với những cuộc xung đột mà Israel trải qua trước đây.
“Mức độ nghiêm trọng của những thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào thời gian cuộc xung đột diễn ra và tình hình an ninh nội địa của Israel. Mặc dù không hoàn toàn chắc chắn nhưng chúng tôi tin rằng cuộc xung đột đang diễn ra tác động đến nền kinh tế Israel nghiêm trọng hơn so với các đợt xung đột trước đây” - bà Kathrin Muehlbronne, Phó Chủ tịch cấp cao của Moody's nhận định.
Theo The Times of Israel, chi tiêu của chính phủ Israel trong giai đoạn xung đột cũng sẽ cao hơn thông thường. Theo đó, các khoản chi tiêu này chủ yếu cho quốc phòng, bồi thường cho các doanh nghiệp bị xung đột ảnh hưởng, tái thiết và phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, doanh thu tài chính, chủ yếu từ các khoản thu thuế, dự kiến sẽ giảm.
“Mặc dù nền kinh tế Israel đối phó tốt với những cú sốc trong hai thập niên qua nhưng cuộc xung đột hiện tại sẽ gây khó khăn cho khả năng phục hồi kinh tế của Israel” – bà Muehlbronner lưu ý.
Trong khi đó, xung đột cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong các lĩnh vực sản xuất tại Israel.
Hôm 9-11, Ngân hàng Trung ương Israel cho biết xung đột Israel-Hamas khiến nước này mất đi hàng trăm nghìn nhân lực trong các ngành sản xuất. Điều này làm cho nền kinh tế Israel thiệt hại khoảng 600 triệu USD mỗi tuần, theo The Times of Israel.
Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Israel phân tích tác động của việc giảm nguồn cung lao động trong 3 tuần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hôm 7-10. Theo nghiên cứu, nhiều người bỏ việc làm vì phải tham gia quân đội dự bị, sơ tán và ở nhà chăm sóc con do hệ thống giáo dục tạm đóng cửa.
Theo The Times of Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel đã huy động hơn 300.000 quân dự bị tham gia chiến đấu. Nhiều người trong số họ làm việc trong các công ty công nghệ toàn cầu. Trong khi đó, hơn 200.000 người sống tại khu vực biên giới phía nam và phía bắc Israel đã phải sơ tán.
Ngân hàng Trung ương Israel cho biết việc đóng cửa hoàn toàn hệ thống giáo dục trong 2 tuần đầu tiên của xung đột khiến 310.000 phụ huynh nghỉ việc. Ngoài ra, có 210.000 phụ huynh có thể làm việc tại nhà nhưng hiệu quả công việc giảm sút do họ bận chăm sóc con cái.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Israel
Ngày 29-11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo cuộc xung đột đang tiếp diễn có “tác động đáng kể” đến nền kinh tế Israel. OECD cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đầu tư và tiêu dùng tư nhân chậm lại, theo The Times of Israel.
Hồi tháng 6, OECD dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel trong năm 2023 tăng 2,9% và 3,3% trong năm 2024. Tuy nhiên, trong báo cáo hôm 29-11, OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP của Israel trong năm 2023 xuống 2,3% và trong năm 2024 xuống 2%.
Theo OECD, trong trường hợp xung đột không lan rộng ra khu vực Trung Đông, kinh tế Israel chỉ chịu tác động trong quý cuối năm 2023 và quý đầu năm 2024. Do đó, tổ chức này nhận định nền kinh tế Israel sẽ phục hồi vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 4,5%.
“Tác động kinh tế của cuộc xung đột Israel-Hamas phụ thuộc vào thời gian, phạm vi và cường độ của cuộc xung đột. Sự gián đoạn về nguồn cung do tình hình an ninh, sự sụt giảm đáng kể của lực lượng lao động dân sự, cùng với tâm lý kinh tế suy yếu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư tư nhân” – báo cáo của OECD nêu rõ.
OECD cảnh báo: “Với việc tăng chi tiêu cho quốc phòng, an ninh, tái thiết và thanh toán lãi vay trong trung hạn, Israel cần phải xem xét lại chi tiêu thường xuyên để giảm thiểu tác động đến tài chính công. Ngoài ra, Israel cần duy trì các khoản chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện giáo dục”.
Trong trung hạn, OECD kêu gọi chính phủ Israel đưa ra các cải cách về thị trường lao động và giáo dục để giải quyết thách thức về nhân khẩu học và giảm bớt sự chênh lệch lớn về thị trường lao động.
Ngoài OECD, trong những tuần gần đây, Bộ Tài chính Israel và các tổ chức tín dụng toàn cầu cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của Israel.
Trước đó, hôm 27-11, Ngân hàng Trung ương Israel hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Israel xuống 2% trong năm 2023 và năm 2024. Con số này giảm so với mức dự báo tăng trưởng 2,3% cho năm 2023 và 2,8% cho năm năm 2024, được Ngân hàng Trung ương Israel đưa ra hồi tháng 10.
“Dự báo này được xây dựng dựa trên giả định rằng nền kinh tế Israel sẽ chịu tác động của xung đột đến năm 2024. Điều này trái ngược với dự báo hồi tháng 10, khi cho rằng tác động trực tiếp của cuộc xung đột chỉ xảy ra trong quý IV năm 2023” – báo cáo của Ngân hàng Trung ương Israel cho biết.