Ngày 7-4, tại hội thảo “đổi mới dạy – học với ChatGPT và trí tuệ nhân tạo” do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã cho rằng thời gian tới, những công nghệ như chatGPT sẽ ngày càng phát triển và tác động mạnh đến mọi lĩnh vực.
Hàng loạt công việc mới sẽ ra đời, những người lười biếng sẽ bị chatGPT thay thế.
Với chủ đề về “Việc làm, dạy và học trong kỷ nguyên mới", GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng thời gian tới được xem là kỷ nguyên trí tuệ tăng cường.
Những siêu AI (trí tuệ nhân tạo), siêu robot, siêu công nghệ năng lượng mặt trời, siêu internet, công nghệ gen… sẽ ra đời. Theo dự báo của diễn đàn kinh tế thế giới, trong 5 năm tới, 45% công việc không cần kỹ năng cao sẽ bị thay thế bởi AI.
Trong đó, công việc bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán hàng, công nghệ thông tin, kế toán…
Tuy nhiên, top 11 công việc khó bị “thay thế” là nhân viên y tế, giáo viên, giám đốc điều hành, biên tập viên, mục sư, thiết kế đồ họa, giám đốc tiếp thị, bác sĩ tâm thần, nhà khoa học, nhà văn, người phân tích hệ thống máy tính.
GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm. Ảnh: PA |
Theo GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, làn sóng chatGPT này sẽ giúp chúng ta sẽ học nhanh hơn, nhiều hơn, đúng hơn và tốt hơn. Tuy nhiên, nó cũng cũng cảnh báo tình trạng lười học, lười làm việc của các thế hệ sắp tới.
Do đó, để tồn tại, mỗi chúng ta phải tăng cường việc học nhiều hơn, nâng cao ý thức giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm hơn. Các em cần được chuẩn bị tư duy, kỹ năng để sống trong thế giới của robot.
Riêng về giáo dục ĐH, PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng AI và chatGPT sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giảng viên, sinh viên trong các công tác chuẩn bị giảng dạy, tạo ra các tài liệu học tập cá nhân hóa, chấm bài tự động và phản hồi, nâng cao khả năng học tập.
PGS-TS Đinh Điền đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: PA |
Tuy nhiên, PGS-TS Đinh Điền cho rằng chatGPT cũng đặt ra nhiều thách thức với ngành giáo dục. Cụ thể, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nếu phụ thuộc chatGPT quá nhiều; khó xác thực thông tin từ chatGPT mang lại và dễ vi phạm về quyền riêng tư, an toàn dữ liệu; giải quyết các vấn đề về đạo đức trong AI như thế nào?.
Theo PGS-TS. Đinh Điền, cần có các khóa đào tạo giảng viên về công nghệ AI và chatGPT, qua đó giúp thầy, cô nắm chắc kiến thức, kỹ năng liên quan. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình học tích hợp AI, chatGPT, tạo ra môi trường phù hợp để giúp giảng viên, sinh viên tận dụng công cụ này hiệu quả. Bên cạnh đó, trường học phải cải tiến cách đánh giá liên tục theo định kỳ về hiệu quả sử dụng AI, chatGPT, từ đó điều chỉnh và cải tiến cách dạy và học phù hợp.