Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2017 (có hiệu lực ngày 10-6) quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, trong đó quy định huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển.
TP được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay theo quy định cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: GH
Ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức
Theo Nghị định 48, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP.HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND TP.HCM lập dự toán kèm theo đề nghị gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện.
Để sử dụng có hiệu quả quỹ đất thuộc Thành phố quản lý, UBND TP.HCM được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay theo quy định cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.
Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP.HCM để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, môi trường và chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.
Việc bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn Thành phố được thực hiện theo nguyên tắc:
Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP.HCM, Chính phủ cho thành phố vay lại hoặc cấp phát một phần theo quy định của pháp luật. Thành phố có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ ngân sách thành phố để thực hiện và hoàn trả gốc, lãi phần vay lại đầy đủ, đúng hạn theo quy định của pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp thuộc Thành phố quản lý được vay lại để đầu tư chương trình, dự án có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ vốn vay. Các doanh nghiệp thuộc Thành phố quản lý phải hoàn trả gốc, lãi vay theo đúng thời hạn quy định.
Mức bố trí cụ thể về vốn ODA hoặc các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thực hiện các chương trình, dự án cho TP.HCM theo quy định, trên cơ sở đề nghị của Thành phố, ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Chính phủ cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật đầu tư công.
UBND TP được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho Thành phố không phụ thuộc vào quy mô viện trợ. Riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chủ tịch UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
TP đang tập trung xây cầu vượt nút Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, để giải tỏa ùn tắc giao thông. Ảnh: GH
Nguyên tắc vay vốn đầu tư phát triển
TP.HCM được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật. TP phải bố trí ngân sách địa phương chi trả gốc, lãi và các chi phí liên quan.
TP.HCM được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố: UBND TP.HCM xây dựng phương án, lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, NHNN Việt Nam, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo cơ chế Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại để thực hiện các chương trình, dự án theo đề nghị của UBND TP. Thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách thành phố để hoàn trả gốc, lãi theo quy định của pháp luật.
Khi có nhu cầu vay vốn đầu tư, UBND TP xây dựng kế hoạch vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương cùng với lập dự toán ngân sách hằng năm, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Vốn vay đầu tư cho các chương trình, dự án phải bảo đảm: Chương trình, dự án sử dụng vốn vay đầu tư phải có hiệu quả kinh tế - xã hội; chương trình, dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm đã được HĐND TP quyết định; công trình, dự án đã có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền; bố trí ngân sách địa phương để trả hết nợ (gốc, lãi và phí) khi đến hạn.
Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước
Ngoài nguồn vốn huy động cho các công trình, dự án thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo quy định, đối với các dự án khác có khả năng thu hồi vốn hoặc các dự án chỉ có khả năng thu hồi một phần vốn đầu tư, UBND TP quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
Cơ sở hạ tầng ở cửa ngõ Bình Triệu, quận Thủ Đức, đã được đầu tư xây dựng. Ảnh: GH
Việc huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật, bao, gồm: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO, (xây dựng - sở hữu- kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao), O&M (kinh doanh - quản lý).
Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, Thành phố tham gia thực hiện các dự án PPP theo các hoạt động: Góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BTL, họp đồng BLT; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.